BẢN TIN

http://tonghop.kiengiang.dcs.vn


Chính sách giảm, miễn thuế, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Trong năm 2022, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) , áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại… và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 (ảnh minh họa).

Một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 (ảnh minh họa).


Hỏi: Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế theoNghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2022. Trong đó, quy định về giảm thuế GTGT được thực hiện như thế nào?

Trả lời:

Các quy định về giảm thuế GTGT được thực hiện như sau:

- Giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Để thuận tiện cho tổ chức, cá nhân và cơ quan quản lý thuế áp dụng, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật chuyên ngành hiện hành, việc xác định hàng hóa, dịch vụ không được áp dụng giảm thuế GTGT được thực hiện theo các phụ lục ban hành kèm theo Nghị định gồm: Phụ lục I danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT; Phụ lục II danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không được giảm thuế GTGT; Phụ lục III danh mục hàng hóa, dịch vụ công nghệ thông tin không được giảm thuế GTGT.

- Đối tượng áp dụng giảm thuế GTGT gồm tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT 10%, không phân biệt phương pháp tính thuế của cơ sở kinh doanh là phương pháp khấu trừ hay phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu.

- Đối với cơ sở kinh doanh áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, thì việc xác định giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT được thực hiện trực tiếp trên hóa đơn GTGT khi cơ sở kinh doanh cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Căn cứ hóa đơn GTGT, cơ sở kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế GTGT đầu ra, cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn GTGT.

- Đối với cơ sở kinh doanh bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh áp dụng phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu sử dụng hóa đơn bán hàng, trên hóa đơn bán hàng không có tiêu thức thuế GTGT, do đó, Nghị định quy định cơ sở kinh doanh thực hiện giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ” và ghi chú trên hóa đơn bán hàng. Cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trường hợp cơ sở kinh doanh không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT, thì không được giảm thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh thực hiện kê khai các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này cùng với Tờ khai thuế GTGT.

Hỏi: Chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TTDN) được quy định như thế nào?

Trả lời:

- Doanh nghiệp, tổ chức là người nộp thuế TNDN theo quy định của Luật thuế TNDN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của kỳ tính thuế TNDN năm 2022 đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ theo quy định.

- Trường hợp công ty mẹ nhận khoản ủng hộ, tài trợ của các đơn vị thành viên để tập trung đầu mối thực hiện hoạt động ủng hộ, tài trợ thì công ty mẹ và các đơn vị thành viên được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN tương ứng với khoản ủng hộ, tài trợ của công ty mẹ và từng đơn vị thành viên. Công ty mẹ phải có biên bản hoặc văn bản, tài liệu xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ. Đơn vị thành viên phải hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật và có văn bản xác nhận của công ty mẹ về khoản ủng hộ, tài trợ của từng đơn vị thành viên.

- Đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ bao gồm: Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; cơ sở y tế, đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị, tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ làm cơ sở cách ly tập trung; cơ sở giáo dục; cơ quan báo chí; các bộ, cơ quanh ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức đảng, đoàn thanh niên, công đoàn, hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam các cấp ở Trung ương và địa phương; cơ quan, đơn vị chính quyền địa phương các cấp có chức năng huy động tài trợ; quỹ phòng chống dịch Covid-19 các cấp; Quỹ vắc-xin phòng chống Covid-19; Cổng thông tin điện tử nhân đạo Quốc gia; quỹ từ thiện, nhân đạo và tổ chức có chức năng huy động tài trợ hoạt động theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ có trách nhiệm sử dụng, phân phối đúng mục đích của khoản ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 đã tiếp nhận. Trường hợp đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ sử dụng sai mục đích của khoản chi ủng hộ, tài trợ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Văn Anh

Cục Thuế tỉnh Kiên Giang

Tác giả: Tuong Mai Van

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây