BẢN TIN

http://tonghop.kiengiang.dcs.vn


Các bệnh thường gặp mùa nắng nóng

Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân. Đầu tháng 3/2024 đến nay, các bệnh truyền nhiễm, bệnh về mắt, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, bệnh mạn tính có chiều hướng tăng. Người dân nên lưu ý cách phòng bệnh để giữ gìn sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Người dân kiểm tra huyết áp tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang.

Người dân kiểm tra huyết áp tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang.

 
Ghi nhận tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, tổng số bệnh nhân đến khám tại khoa trung bình khoảng 1.800 lượt bệnh/ngày, không tăng so trung bình các tháng trước. Tuy nhiên, một số phòng bệnh có số lượng bệnh nhân đến khám tăng như tai mũi họng, tim mạch, nội hô hấp… Ngoài ra, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, nôn mửa; các bệnh về da liễu như nổi mẩn đỏ, ngứa, phát ban, ngứa do ghẻ; các bệnh viêm phổi, tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sốt siêu vi, cảm cúm, cảm nắng… đều tăng.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, thời tiết nắng nóng làm cơ thể ra nhiều mồ hôi, gây mất nước, điện giải, đặc biệt là ở trẻ em dễ dẫn đến mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa. Thức ăn, thực phẩm dễ bị ôi, thiu, dễ nhiễm nấm và vi khuẩn là nguyên nhân gây bệnh đường tiêu hóa. Khi nhiệt độ lên đến 38-390C, người cao tuổi và trẻ em có thể bị cảm nắng vì cơ thể bị mất nhiều nước do tiết mồ hôi, thân nhiệt cơ thể không điều hòa được khi bị ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu vào người. Để chống nóng, nhiều cơ quan, hộ gia đình mở điều hòa, quạt máy hết công suất để hạ nhiệt dẫn đến chênh lệch nhiệt độ khá cao giữa môi trường trong phòng kín và ngoài trời. Điều này làm thay đổi nhiệt độ đột ngột khi bước từ trong phòng lạnh ra ngoài trời nắng có thể khiến người ta bị choáng, sốc nhiệt hoặc cảm nắng.
Việc thay đổi nhiệt độ đột ngột từ môi trường sử dụng điều hòa mát lạnh sang môi trường nóng bên ngoài hoặc ở trong môi trường máy lạnh quá lâu khiến các niêm mạc đường hô hấp bị khô dễ gây nên các bệnh về đường hô hấp như vêm họng, viêm mũi, viêm amidan, viêm xoang, viêm phế quản cấp và nặng hơn có thể gây viêm phổi… Nắng nóng gay gắt có thể khiến tim đập mạnh, nhanh và huyết áp tăng. Máu bị đặc lại do mất nước, có thể gây ra tình trạng thiếu oxy, bất tỉnh, nhồi máu hay đột quỵ, nhất là người cao tuổi.
Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang chống nóng. Người dân uống nhiều nước, nhất là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol… Không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng. Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm trái cây để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Ngoài ra, mỗi người dân tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà bông, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ học tập… bằng xà bông hoặc các chất tẩy rửa thông thường…
Mi Ni

Tác giả: Tuong Mai Van

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây