Kiên Giang đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về phân giới cắm mốc

Chủ nhật - 08/10/2023 22:22
Mỗi quốc gia đều có đường biên giới, đó là đường để xác định giới hạn lãnh thổ của mỗi nước. Việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khấu Quốc tế Hà Tiên tuyên truyền cho người dân tham gia bảo vệ cột mốc chủ quyền biên giới quốc gia.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khấu Quốc tế Hà Tiên tuyên truyền cho người dân tham gia bảo vệ cột mốc chủ quyền biên giới quốc gia.

Nước ta có chung đường biên giới trên đất liền với ba nước: Trung Quốc, Lào và Campuchia, với tổng chiều dài khoảng 4.924 km, đi qua địa giới hành chính 25 tỉnh của Việt Nam; tiếp giáp với 21 tỉnh của nước láng giềng (Trung Quốc 2 tỉnh; Lào 10 tỉnh; Campuchia 9 tỉnh).
Đảng ta luôn khẳng định biên giới quốc gia là thiêng liêng bất khả xâm phạm; việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền,góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội. Việt Nam luôn thực hiện chính sách xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng, giải quyết các vấn đề biên giới quốc gia bằng biện pháp hòa bình thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau. Công tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới là sự nghiệp của toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý nhằm xây dựng một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển bền vững, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Xác định rõ ý nghĩa và tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta thường xuyên chỉ đạo giải quyết các vấn đề liên quan đến biên giới, nhất là công tác phân giới, cắm mốc và đã đạtđược nhiều kết quả quan trọng.
Kiên Giang là tỉnh có vị trí địa lý khá đặc thù, có biển đảo, núi rừng, đồng bằng và có biên giới trên bộ và trên biển, có đường biên giới trên bộ dài gần 50 km, giáp với tỉnh Cam Pốt và Tà Keo của Vương quốc Campuchia. Với đường biên giới như vậy nên Ủy ban Liên hợp về phân giới cắm mốc Việt Nam - Campuchia thống nhất cắm 28 cột mốc trên tuyến biên giới tỉnh Kiên Giang. Từ cột mốc giáp với tỉnh An Giang mang số 287 đến cột mốc đường biên giới trên bộ cuối cùng thuộc xã Mỹ Đức, thành phố Hà Tiên mang số 314; trong đó, có mốc đặc biệt 314, cột mốc số 313 và 26 cột mốc C (khu vực ngập lụt). Tính năm 2007 đến nay, hai bên đã phân giới được 42.317 mét đường biên giới và xây dựng xong 23/28 cột mốc, 80/80 công trình mốc phụ và 4/4 cọc dấu.
Để công tác phân giới cắm mốc ở tỉnh ta đạt kết quả tốt, công tác tuyên truyền trong thời gian tới cần khẳng định rõ Việt Nam - Campuchia là hai nước láng giềng có những nét tương đồng về vị trí địa lý, lịch sử, trình độ phát triển kinh tế. Dân tộc Campuchia có nền văn minh Ăng-co huy hoàng. Dân tộc Việt Nam có 4.000 năm văn hiến, nhân dân hai nước đã từng giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Nhân dân Việt Nam đã giúp nhân dân Campuchia đập tan và xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập đoàn PônPốt Iêng-xa-ri, cứu nhân dân Campuchia ra khỏi thảm họa diệt chủng, giành lại quyền được sống, quyền làm người và bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do thật sự, hồi sinh đất nước và dân tộc, xây dựng cuộc sống hòa bình tươi đẹp.
Đẩy mạnh tuyên truyền các văn bản có tính pháp lý về phân giới cắm mốc như: Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới Việt Nam-Campuchia, ngày 20/7/1983; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam-Campuchia, ngày 27/12/1985; Hiệp ước bổ sung hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985, ngày 10/10/2005. Những thành quả phân giới cắm mốc đã đạt được, nêu cao trách nhiệm của mọi người, giữ vững kết quả đó, kịp thời phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá ta.
Sau nhiều năm đàm phán và tiến hành phân giới cắm mốc, đến giờ phút này còn 16% đường biên giới Việt Nam-Campuchia chưa hoàn thành, trong đó có khu vực biên giới thuộc tỉnh Kiên Giang còn 5 cột mốc, từ mốc 296 đến mốc 300. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền về phân giới cắm mốc, làm cho mọi người dân hiểu rõ, đó là nhiệm vụ quan trọng, thiêng liêng của mỗi quốc gia và mỗi người dân. Mỗi người dân biên giới và trong tỉnh cần hiểu rõ luật pháp quốc tế, cùng có trách nhiệm giữ gìn từng cột mốc, chống xuất nhập cảnh trái phép, chống buôn lậu qua biên giới, tạo ra khu vực biên giới tỉnh Kiên Giang thật sự là biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Thiện Cẩn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây