U Minh từng là căn cứ địa cách mạng vững chắc của ta cả 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nơi đây đã từng che chở, đùm bọc nhiều cơ quan, như: Trung ương Cục Miền Nam, Khu ủy khu Tây Nam bộ, Bộ Tư Lệnh Quân khu 9 và nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, như: Lê Duẩn,Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh, Nguyễn Tấn Dũng... Có thể nói U Minh là biểu tượng của sự tồn tại lực lượng kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, là niềm tin, niềm tự hào của đồng bào Nam bộ. Vì thế, trong giai đoạn chống thực dân Pháp, dân gian có câu “Cao Đài Tây Ninh,Hòa Hảo Láng Linh, Việt Minh Cán Gáo” nói lên sự khẳng định về lực lượng cách mạng đã gắn liền với vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Điều đó cũng nói lên niềm tin mãnh liệt của nhân dân ta về U Minh: U Minh còn, cách mạng còn.
Về phía kẻ thù, chúng coi U Minh là một trọng điểm đánh phá, bình định, lấn chiếm, vì nếu bình định được U Minh thì mới quản lý được đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù Hiệp định Giơ-ne-vơ đã quy định rất rõ: “Cấm dùng cách trả thù hay phân biệt đối xử nào đối với những cá nhân hay tổ chức chỉ vì lý do hoạt động của họ trong lúc chiến tranh”. Nhưng bọn Mỹ - Diệm đã lật lọng, bất chấp các quy định của Hiệp định, công khai trả thù, trả oán đối với những người đã tham gia kháng chiến chống Pháp cũng như gia đình thân nhân của họ. Chúng đã sớm đề ra chính sách “Tố cộng, diệt Cộng” dùng“Cộng sản tiêu diệt Cộng sản”. Từ chính sách ấy, Ngô Đình Diệm chủ trương tập hợp bọn địa chủ và những tên lưu manh trước đây có thời gian tham gia kháng chiến chống Pháp, số cán bộ thoái hóa, bất mãn, số có hận thù với cách mạng... thành lập một lực lượng, thường được gọi là: Biệt khu U Minh, tại rừng tràm Ban Biện Phú (gần nghĩa trang Vĩnh Thuận hiện nay). Chúng cho thành lập “Đặc khu AnPhước” vì cho rằng vùng U Minh là căn cứ cách mạng, nơi có khu tập kết 200 ngày đêm và cũng là vùng giải phóng trước đây của Việt Minh trong kháng chiến chống Pháp, vùng đất tiềm ẩn nhiều bất trắc và nguy hiểm đối với chúng.
Sau thời gian xây dựng, ngày 15/2/1955 địch làm lễ khánh thành Đặc khu An Phước. Đích thân Ngô Đình Diệm cùng một số tướng tá đến dự lễ. Đặc khu An Phước gồm 3 phân quận: An Biên, Phước Long và Thới Bình do Lâm Quang Phòng làm Đặc khu trưởng. Chúng tập hợp số cán bộ cũ trong đó có những người từng bị kỷ luật, bị tù trong kháng chiến và một số bất hảo để làm tay chân thân tín,thẳng tay trả thù những người kháng chiến cũ, đàn áp phong trào cách mạng. Đặc biệt Lâm Quang Phòng đã tích cực xây dựng, đặt dưới sự chỉ huy của hắn một đơn vị vũ trang mà chúng thường gọi là “Quốc gia áo đen”.
Chúng lập danh sách những người kháng chiến cũ, nhất là đảng viên, những người có thân nhân tập kết ra Bắc để có cách đàn áp, khống chế riêng. Tại đây, chúng tổ chức một trung đội đặc biệt, do tên ác ôn Châu Minh Phán chỉ huy, chuyên đi bắt cóc, ám sát đảng viên, cán bộ; trung đội này chia ra làm nhiều toán, mỗi toán từ 3-5 tên, hàng đêm bí mật bao nhà bắt cóc, ám sát những người kháng chiến.
Trong gần 3 năm tồn tại, từ 1955 – 1957, “Đặc khu An Phước” đã bắt bớ, giam cầm hơn 10.000 lượt cán bộ, chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước, trong đó có hơn 1.500 người đã bị giết tại đây.Trong cái gọi là “đặc khu” này thực chất là một trại giam lớn. Địch đã dùng mọi cực hình tra tấn dã man để hòng mua chuộc, dụ dỗ, làm lung lay ý chí của những người cộng sản, các kiểu tra tấn dã man thường được chúng sử dụng, như: treo chân lên nóc nhà, chạy điện, nướng sắt đỏ đâm vào người cho đến chết. Có những đêm chúng đem vài chục người đi thủ tiêu bằng các kiểu: chặt đầu, đập đầu, mổ bụng, moi gan, chôn sống, bỏ vào bao bố rồi buộc đá quăng xuống sông, dập xuống hố... Ngoài những cực hình tra tấn dã man trên, bọn Lâm Quang Phòng, Cái Văn Ngà còn áp dụng các hình thức tra tấn độc ác khác, kiểu như trường hợp đồng chí Danh Cách là trung đội Trưởng của ta bị chúng bắt tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì, rồi chúng trói lại, đem phơi nắng không cho ăn uống cho đến chết.
Trong một báo cáo của Tổng Giám đốc An ninh ngụy ngày 14/8/1956 có đoạn viết: “Gần Bộ Chỉ huy ở Chắc Băng trong một cái đìa lớn, có tới 200 người bỏ thây, xác người thối rã hòa vào nước tràm biến thành màu xanh đen, khi đìa cạn, mùi hôi tanh ghê tởm xông lên làm dân chúng nơi đây phải tản cư đi nơi khác”. Trại giam An Phước tuy không lớn như nhà tù Rạch Giá, Phú Quốc, Côn Đảo... nhưng hình thức, thủ đoạn tra tấn, hành hạ giết người khủng khiếp hơn nhiều. Đây chính là “lò sát sinh”, nơi gây tội ác dã man của Mỹ - Diệm ở miền Tây Nam bộ...
Để tưởng nhớ hàng ngàn người đã ngã xuống, đồng thời ghi dấu tội ác của bọn Mỹ - ngụy gây ra đối với nhân dân ta, mới đây tại rừng tràm Ban Biện Phú, Đảng bộ và chính quyền huyện Vĩnh Thuận đã làm lễ động thổ xây dựng đền thờ các anh hùng liệt sĩ và người có công, nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Thiện Anh - Thanh Xuân