Năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, huyện Giang Thành trên khu đất của dự án khai thác bền vững đồng cỏ bàng kết hợp bảo tồn nghề thủ công địa phương. Lúc mới thành lập, hiện trạng khu đất có một số hộ dân vào bao chiếm sử dụng trái phép, gây khó khăn cho địa phương và cơ quan chức năng trong công tác quản lý.
Đến năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn đầu tư công trình đê bao và cống đập giữ nước, để quản lý tốt đất đai và bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái đồng cỏ bàng trong khu bảo tồn. Tuy nhiên, khi triển khai thi công hạng mục công trình này, một số hộ dân ra ngăn cản, cho rằng đất của gia đình họ đã khai phá trước đây. Trước tình hình trên, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân huyện Giang Thành, Ủy ban nhân dân xã Phú Mỹ tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp quản lý đất đai của dự án và thực hiện các thủ tục quy hoạch thành lập khu bảo tồn; thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác và xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền, vận động, giáo dục; đồng thời ngăn chặn, xử lý các hộ dân lấn chiếm đất.
Qua công tác tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương đã có kết quả bước đầu, nhiều hộ dân tự nguyện giao trả đất cho khu bảo tồn. Trong đó, có hai hộ ông Tiên Siêm và ông Tiên Som cùng cư ngụ ấp Trà Phọt, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, đã tự nguyện giao trả lại gần 80.000 m2 đất đã bao chiếm trong khu bảo tồn; đồng thời, thống nhất với phương án bồi hoàn, hỗ trợ của chính quyền địa phương và mong muốn đóng góp công sức của bản thân mình trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, đặc biệt trong giải quyết vấn đề bao chiếm đất đai trái phép trên địa bàn.
Việc ông Tiên Siêm, Tiêm Som tự nguyện bàn giao lại gần 80.000 m2 đất bao chiếm trái phép cho chính quyền địa phương để thực hiện múc đê bao Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ, đã góp phần thúc đẩy tiến độ thi công, xây dựng công trình đắp đê bao và cống đập giữ nước tại đây. Dự án khi hoàn thành đem lại lợi ích kinh tế cho địa phương và người dân trực tiếp sinh sống trên địa bàn, đồng thời nó có tác dụng bảo vệ vùng đất ngập nước bảo vệ môi trường sinh thái, phát huy hiệu quả bảo tồn và cải thiện sinh kế cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra còn ý nghĩa quan trọng bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó ưu tiên bảo tồn hệ sinh thái đồng cỏ bàng duy nhất còn sót lại ở đồng bằng sông Cửu Long và duy trì số lượng sếu đầu đỏ trên 100 cá thể về đây trú ngụ mỗi năm.
Tiến Dũng