Gò Quao trình diễn mô hình sạ cụm kết hợp bón vùi phân

Thứ sáu - 07/02/2025 21:05
Hiện nay, cơ giới hóa kết hợp với ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm là một trong những hướng đi tiên quyết trong sản xuất lúa với mục tiêu xây dựng nền sản xuất bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nông dân Hợp tác xã Thanh Xuân, ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, sử dụng máy sạ cụm kết hợp vùi phân trong vụ Đông Xuân 2024-2025.
Nông dân Hợp tác xã Thanh Xuân, ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa, huyện Gò Quao, sử dụng máy sạ cụm kết hợp vùi phân trong vụ Đông Xuân 2024-2025.
 
Gò Quao là huyện có thế mạnh về nông nghiệp, diện tích nông nghiệp chiếm 88% diện tích tự nhiên. Những năm qua, ngành nông nghiệp của huyện đã tham mưu nhiều giải pháp, hoàn chỉnh, rà soát, quy hoạch và xây dựng bản đồ phân vùng sản xuất; tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng sản xuất khép kín như đê bao, trạm bơm… gắn với việc củng cố kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã. Ngành đã chủ động kết hợp với các đơn vị, ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, các công ty doanh nghiệp triển khai xây dựng nhiều dự án cánh đồng lớn chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với 90.489 ha, đạt 43% diện tích lúa.
Tham gia các dự án, nông dân được tập huấn quy trình canh tác lúa theo 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, nông dân được tiếp cận với các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm giảm giống, giảm phân, giảm thuốc bảo vệ thực vật, tiến đến giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế. Từ đó, đã tạo bước chuyển biến thực sự trong nhận thức từ sản xuất nông nghiệp thuần túy, truyền thống sang sản xuất kinh tế nông nghiệp; sản xuất theo số lượng sang sản xuất theo giá trị; sản xuất tự túc sang sản xuất kinh tế thị trường.
Vụ Đông Xuân 2024-2025, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang triển khai Dự án “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu của đồng bằng sông Cửu Long” tại Hợp tác xã Thanh Xuân, ấp Hòa Thanh, xã Định Hòa. Dự án thu hút 15 nông dân tham gia, thực hiện trên 50 ha.
Tham gia dự án, nông dân được tập huấn quy trình sạ lúa theo cụm kết hợp bón vùi phân. Máy sạ lúa theo cụm hoạt động sạ tương tự như máy cấy, từng cụm thẳng theo hàng, mỗi cụm có từ 6 - 10 hạt lúa, lúa lên đều theo cụm thông thoáng như ruộng lúa cấy; từ đó, cây lúa lên khỏe, giảm phân bón, ít sâu bệnh, giảm thuốc bảo vệ thực vật, lúa chắc hạt, cho năng suất cao. Ngoài ra, sạ cụm còn giúp người dân giảm lượng giống xuống còn 40 - 60 kg/ha theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Giải pháp bón vùi phân cũng mang lại nhiều hiệu quả như: Phân bón được vùi sâu nên giảm được thất thoát do bốc hơi hoặc trôi theo dòng nước; qua đó, giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải, tăng hiệu quả sử dụng phân bón; kích thích rễ lúa ăn sâu, giúp hạn chế lúa đổ ngã, đồng thời tăng khả năng chịu hạn cho ruộng lúa.
Từ năm 2019 đến nay, phương pháp sạ lúa theo cụm kết hợp với vùi phân đã được triển khai ở tỉnh Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng và Đồng Tháp cho hiệu quả cao; thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện Gò Quao tiếp tục triển khai mô hình này tại nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần nâng cao năng suất, giảm chi phí sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nguyễn Thanh Nhanh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây