Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI, tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân được nâng lên; công tác tín dụng chính sách xã hội được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tăng trưởng khá, với tổng dư nợ hơn 6.100 tỷ đồng (tăng gần 4.000 tỷ đồng so năm 2014), hỗ trợ cho vay trên 400.000 lượt hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác và được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh... Qua đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, hoạt động tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội còn thấp (chiếm 8%/tổng nguồn vốn); chất lượng tín dụng chính sách xã hội tại một số nơi chưa bền vững.
Để tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tập trung tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 39-CT/TW, ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị-xã hội về vị trí, vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt hoạt động nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với công tác quản lý và sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội đảm bảo công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.
Hai là, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách cho vay mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay, thời hạn cho vay... chú trọng tín dụng cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, học sinh, sinh viên nghèo và các trường hợp khẩn cấp khác... Nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh kế cho người dân làm nông-lâm-ngư nghiệp, chuyển đổi ngành nghề, khởi nghiệp và đối tượng theo quy định của địa phương. Lồng ghép tín dụng chính sách xã hội với các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội; tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng đối với các hoạt động sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác nhằm thay đổi phương thức sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng vốn cho người nghèo.
Ba là, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh giai đoạn 2026-2030; phấn đấu hằng năm chiếm từ 15-20% tăng trưởng dư nợ tín dụng chung của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ủy ban nhân dân các cấp cân đối bố trí ngân sách ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để đảm bảo nhu cầu vay vốn của người dân trong tạo việc làm, mở rộng việc làm, nhà ở xã hội… Tăng cường huy động vốn từ tiền gửi, tiền vay, tiền tài trợ của các tổ chức, cá nhân; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc đẩy mạnh vận động đóng góp Quỹ “Vì người nghèo" để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.
Bốn là, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, có uy tín, gần dân, phục vụ người dân. Đơn giản hóa các trình tự, thủ tục vay vốn, đa dạng hóa các sản phẩm, phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác và Ngân hàng Chính sách xã hội trong triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Nguyễn Oanh