Những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Thứ bảy - 06/04/2024 20:13
Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 44-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là định hướng quan trọng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, cần được nghiên cứu, quán triệt thấu đáo, nhất là những vấn đề cần được nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn, nhằm đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tuần tra trên tuyến biên giới. Ảnh: Thu Oanh
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên tuần tra trên tuyến biên giới. Ảnh: Thu Oanh
 
Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đó là: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân được xây dựng ngày càng vững chắc; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, bước đầu đạt kết quả tốt. Quân đội luôn xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; giữ vững được độc lập, tự chủ và môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và bảo vệ đất nước. Quan hệ, hợp tác quốc tế được mở rộng, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước được nâng cao, sức mạnh tổng hợp quốc gia bảo vệ Tổ quốc được nâng lên một bước.
Tuy nhiên, việc thực hiện Chiến lược cũng còn những hạn chế, như: Nhận thức, ý thức, trách nhiệm về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa thật đầy đủ, sâu sắc, còn biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác. Việc nắm, dự báo chiến lược chất lượng chưa cao, có mặt chưa theo kịp tình hình. Các lĩnh vực về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có một số mặt còn hạn chế. Sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc có lúc, có nơi chưa được quan tâm và phát huy đầy đủ. Việc tổ chức thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên một số lĩnh vực, địa bàn chưa thực sự hiệu quả, còn biểu hiện đề cao lợi ích kinh tế, coi nhẹ lợi ích quốc phòng, an ninh, v.v.
Trên cơ sở đánh giá tổng quát về kết quả đạt được và dự báo sát, đúng tình hình, Chiến lược đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới. Đồng thời, khẳng định các vấn đề cần nhận thức đầy đủ hơn, bổ sung, phát triển mới phù hợp tình hình thế giới, khu vực và trong nước, có thể khái quát như sau:
Một là, về nhân tố nhân dân, Chiến lược khẳng định: Phát huy dân chủ của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với phương châm dựa vào dân, “dân là gốc”, nhân dân là trung tâm, là chủ thể; khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, ý chí kiên cường, bất khuất, văn hóa tốt đẹp, sức mạnh con người Việt Nam, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, “thế trận lòng dân”, yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, phải mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các bộ phận dân cư, giữa các vùng, miền, tạo sự đoàn kết toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Hai là, về lợi ích quốc gia - dân tộc. Chiến lược nêu rõ quan điểm: “Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế”. Như vậy, khi xác định mục tiêu chung, Chiến lược đã đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời, bổ sung nội dung bảo vệ thành quả cách mạng; bảo vệ uy tín, vị thế quốc tế của đất nước; dập tắt nguy cơ xung đột, chiến tranh; đóng góp tích cực vào gìn giữ hòa bình thế giới. Coi lợi ích quốc gia - dân tộc là mục tiêu cao nhất trong các hoạt động đối nội, đối ngoại, nhất là trong xử lý các vấn đề quốc tế.
Ba là, về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Kế thừa truyền thống “cố kết dân tộc” từ hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhận thức đầy đủ hơn về vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Chiến lược đã có sự sắp xếp lại các nhiệm vụ và giải pháp cho hợp lý hơn, đưa nhiệm vụ và giải pháp phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc... từ vị trí thứ tư lên vị trí thứ hai và diễn đạt đầy đủ hơn: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đồng thời, nêu rõ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; tích cực đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch; coi trọng ý kiến đóng góp của nhân dân; giữ gìn mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Bốn là, về sức mạnh tổng hợp quốc gia. Chiến lược nêu rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò của nhân dân với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh từ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với vấn đề mới là nền kinh tế số, xã hội số, kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo nền tảng vật chất vững chắc cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Chiến lược đặc biệt nhấn mạnh về vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, coi trọng xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số; tích cực quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Năm là, kiên trì đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân. Đây không phải là vấn đề mới, nhưng trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực xuất hiện các hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến, không gian chiến lược, phương thức tiến hành chiến tranh mới, thì nội dung này trở nên quan trọng, cấp thiết hơn bao giờ hết. Chiến lược nhấn mạnh phải xây dựng sức mạnh toàn diện, vững chắc ngay từ thời bình, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh. Coi trọng xây dựng sức mạnh quân sự Nhà nước, sức mạnh đặc trưng của sức mạnh dân tộc. Xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trước mắt thực hiện tốt xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm cho Quân đội thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Sáu là, thực hiện chính sách bốn không. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về quân sự, quốc phòng cũng như tinh thần độc lập, tự chủ trong quan hệ quốc tế, nhưng lần đầu tiên được khẳng định trong phương châm chỉ đạo của Chiến lược; đó là “không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”. Sự khẳng định đó là cần thiết, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, coi trọng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột, bất đồng bằng các giải pháp hòa bình. Trong nhiệm vụ và giải pháp về đối ngoại nêu rõ: “Chủ động giải quyết các mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Ban Biên tập

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây