Kiên Giang khắc phục triệt để các cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU

Thứ ba - 04/06/2024 20:24
Tỉnh Kiên Giang đang tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách, giải quyết 4 vấn đề trọng tâm trong khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU), góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tuyên truyền chống khai thác IUU ở xã Nam Du huyện Kiên Hải. Ảnh: Nguyễn Hoa
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 tuyên truyền chống khai thác IUU ở xã Nam Du huyện Kiên Hải. Ảnh: Nguyễn Hoa
 
Hỏi: Thời gian qua, công tác phòng, chống tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) được các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong tỉnh thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Để khắc phục các cảnh báo của EC, cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, tăng cường các biện pháp quản lý, kiểm soát tàu thuyền ngư dân hoạt động trên biển; thực hiện công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc hải sản, việc ghi chép nhật ký theo quy định về khai thác hải sản, việc kiểm soát, giám sát hoạt động tàu cá trên biển thông qua lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh bằng các biện pháp hành chính, hình sự các trường hợp vi phạm, môi giới... Qua đó, số tàu cá vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài giảm đáng kể, năm 2020 có 43 vụ/323 tàu, đến cuối năm 2023 còn 16 vụ/22 tàu vi phạm.
Hỏi: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống khai thác IUU còn những hạn chế nào?
Trả lời:
Một số ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU chưa quyết liệt, sâu sát, quyết tâm chưa cao; công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xác minh, chấn chỉnh sai sót, vi phạm có mặt còn hạn chế; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá chưa đảm bảo đúng lộ trình theo quy định; công tác quản lý ngư trường, kiểm tra, kiểm soát tàu cá qua các cửa lạch, các đảo, cửa sông, bãi ngang chưa chặt chẽ; ý thức của một số chủ tàu còn kém, tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài vẫn còn nhiều, năm 2023 có 22 tàu vi phạm.
Hỏi: Để khắc phục hạn chế trên, các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị cần thực hiện nhiệm vụ nào?
Trả lời:
Thứ nhất, thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương, của tỉnh về chống khai thác IUU với quyết tâm chính trị cao nhất, gắn với trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp. Rà soát, kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh, bổ sung các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản và các Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý khai thác thủy sản, hoàn thiện khung pháp lý để quản lý chặt chẽ khai thác thủy sản, nâng cao tính răn đe của pháp luật, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ven biển, đảo, sàng lọc, khoanh vùng, kiểm soát chặt chẽ các tàu cá có nguy cơ, nguy cơ cao về vi phạm vùng biển nước ngoài để tuyên truyền quản lý đúng đối tượng, có hiệu quả.
Thứ hai, quản lý chặt chẽ ngư trường; chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên phải có lắp đặt thiết bị VMS, đặc biệt là thiết bị VMS trên tàu phải hoạt động liên tục theo quy định (trường hợp tàu cá nằm bờ, không hoạt động phải được quản lý chặt chẽ, không cho ra khơi khi chưa có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá) và có đủ các giấy tờ (đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, đánh dấu tàu cá). Giám sát tàu cá hoạt động 24/24 giờ trên hệ thống giám sát hành trình, phát hiện, xử lý các tàu cá cố tình ngắt kết nối với hệ thống giám sát hành trình và các hình thức đối phó khác trong quá trình khai thác hải sản trên biển.
Thứ ba, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động nghề cá, thực hiện nghiêm công tác kiểm soát tàu cá cập, rời cảng cá, bến của Trạm Kiểm soát Biên phòng ở các cửa biển, cửa sông; kiểm soát chặt chẽ sản lượng thủy sản qua cảng cá, bến cá phải ghi nộp nhật ký khai thác thủy sản; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp hợp thức hóa hồ sơ. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu trên địa bàn tỉnh đảm bảo hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, đi đôi với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thứ tư, kịp thời phát hiện, truy tố các hành vi tổ chức, môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép, môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép. Các cơ quan chức năng phối hợp, trao đổi thông tin những tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, ngư dân được nước ngoài trả về, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, tổ chức công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục. Tăng cường công tác điều tra, nắm tình hình về tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hải sản có nguồn gốc từ khai thác IUU. Công an các huyện, thành phố ven biển, đảo, phối hợp với lực lượng chức năng nắm tình hình tại địa bàn quản lý có đối tượng là chủ tàu cá khai thác xa bờ và chủ tàu cá đã vi phạm, tổ chức tuyên truyền, vận động không để tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp...
Oanh Nguyễn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây