Các kỳ đại hội của Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang

Thứ bảy - 05/08/2023 21:12
Hơn 35 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang đã tổ chức thành công 9 kỳ Đại hội. Qua mỗi kỳ Đại hội, tổ chức Hội các cấp không ngừng được củng cố và có bước phát triển mới, ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình, thu hút ngày càng đông nông dân tham gia tổ chức Hội.
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2013-2018
Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2013-2018
 
Hiện nay, toàn tỉnh có 140 cơ sở Hội; 927 chi Hội; 7.983 tổ hội và 186.296 hội viên tham gia sinh hoạt Hội. Sau giải phóng năm 1975 đến tháng 9/1981, Tỉnh ủy chỉ định đồng chí Nguyễn Văn Trư (Tư Trư) làm Thơ ký Nông dân tỉnh (Nông Hội tỉnh).
- Đại hội lần I, tháng 9/1981, thời gian 3 ngày, tại Trường Đảng tỉnh, có 315 đại biểu; Đại hội bầu 31 ủy viên Ban Chấp hành (BCH), đồng chí Bùi Thị Ngần (Tư Ngần) làm Chủ tịch.
Đại hội là sự kiện chính trị trọng đại, đánh dấu một mốc son quan trọng trên chặng đường lịch sử vẻ vang, mở ra giai đoạn phát triển mới của phong trào nông dân trong tỉnh và Hội Nông dân Việt Nam. Từ đây, một tổ chức chính trị - xã hội rộng rãi của giai cấp nông dân chính thức được thành lập, khẳng định những quan điểm cơ bản của Đảng về vị trí, vai trò của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam. Vị trí, vai trò của Hội Nông dân cũng được nâng lên, nhất là vai trò đại diện cho giai cấp nông dân trong tỉnh, là cầu nối giữa giai cấp nông dân với Đảng, thực hiện nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, phát động các phong trào thi đua yêu nước trong sản xuất kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng, xây dựng, đổi mới bộ mặt nông thôn, xây dựng và bảo vệ quê hương.
- Đại hội lần II, tháng 5/1984, thời gian 2 ngày, tại Trường Hành chính tỉnh, có 235 đại biểu; Đại hội bầu 27 ủy viên BCH, đồng chí Bùi Thị Ngân (Tư Ngần) làm Chủ tịch.
Đại hội II có nhiệm vụ tiếp tục đổi mới và phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội trong giai đoạn mới; tập hợp, đoàn kết, giáo dục nông dân nâng cao nhận thức và năng lực làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa. Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong nông thôn; tổ chức các phong trào hành động cách mạng của nông dân trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, nhất là trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp.
- Đại hội lần III, vào tháng 7/1987, thời gian 3 ngày, tại Nhà Văn hóa tỉnh, có 310 đại biểu; Đại hội bầu 31 ủy viên BCH, đồng chí Hà Ngọc Long làm Chủ tịch; đồng chí Hà Ngọc Long chuyển công tác khác, đồng chí Võ Thành Đạm (Tư Quyết) làm Chủ tịch.
Đại hội tập trung trí tuệ của tập thể với tinh thần đổi mới cách nghĩ, cách làm, đổi mới tổ chức và cán bộ, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật để trên cơ sở đó đánh giá đúng thành tích ưu điểm và thấy rõ thiếu sót, tồn tại theo tinh thần đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, nhiệm kỳ 1986 - 2000.
- Đại hội lần IV, tháng 10/1992, thời gian 2 ngày, tại Hội trường Ủy ban nhân dân tỉnh, có 150 đại biểu; Đại hội bầu 27 ủy viên BCH, đồng chí Danh Út làm Chủ tịch; đồng chí Danh Út chuyển công tác khác, đồng chí Huỳnh Văn Đời (Mười Đời) làm Chủ tịch.
Đây là Đại hội “Đổi mới tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động”, là Đại hội của trí tuệ và niềm tin, nơi hội tụ ý chí và nguyện vọng của giai cấp nông dân quyết tâm đổi mới và xây dựng Hội Nông dân Việt Nam tỉnh Kiên Giang vững mạnh về mọi mặt. Đại hội đề ra nhiệm vụ tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, hội viên và nông dân nhận thức đúng đắn những quan điểm đổi mới của Đảng, Nhà nước, nhất là những chủ trương, chính sách có liên quan đến nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Đặc biệt là, coi trọng giáo dục mục tiêu lý tưởng xã hội chủ nghĩa, giáo dục truyền thống dân tộc, truyền thống giai cấp nông dân.
- Đại hội lần V, tháng 9/1998, thời gian 2 ngày, tại Hội trường Tỉnh ủy, có 220 đại biểu; Đại hội bầu 31 ủy viên BCH, đồng chí Huỳnh Văn Đời (Mười Đời) làm Chủ tịch; đồng chí Huỳnh Văn Đời nghỉ hưu, đồng chí Hồ Văn Đời (Hai Đời) làm Chủ tịch.
Đại hội tiếp tục khẳng định đổi mới hình thức tổ chức và nội dung, phương thức hoạt động; xây dựng tổ chức Hội thật sự vững mạnh về mọi mặt để làm tốt vai trò nòng cốt trong các phong trào nông dân; thực hiện chức năng chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng cho nông dân. Phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội, tổ chức, động viên giai cấp nông dân phát huy nội lực, đoàn kết, hợp tác, đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
- Đại hội lần VI, tháng 9/2003, thời gian 2 ngày, tại Hội trường Tỉnh ủy, có 217 đại biểu; Đại hội bầu 33 ủy viên BCH, đồng chí Hồ Văn Đời (Hai Đời) làm Chủ tịch. Đồng chí Hồ Văn Đời nghỉ hưu, đồng chí Dương Tâm Bá (Hai Bá) làm Chủ tịch.
Với chủ đề “Phát huy vai trò của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, với chủ đề “Đoàn kết - Hợp tác - Cần kiệm - Sáng tạo”, Đại hội thống nhất nhiệm vụ đề ra là đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân vào tổ chức trên cơ sở lấy lợi ích chính đáng của nông dân làm động lực cơ bản; xây dựng Hội Nông dân các cấp vững mạnh, hoạt động đạt hiệu quả cao; nâng cao vai trò, vị trí của Hội trong hệ thống chính trị, tăng cường khối liên minh công nông - trí thức; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và làm nòng cốt trong các phong trào nông dân phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở nông thôn.
- Đại hội lần VII, tháng 8/2008, thời gian 2 ngày, tại Hội trường Tỉnh ủy, có 256 đại biểu; Đại hội bầu 36 ủy viên BCH, đồng chí Nguyễn Thanh Long (Bảy Long) làm Chủ tịch.
Đại hội “Đoàn kết - Đổi mới - Phát triển và hội nhập”, với tinh thần “Nông dân Kiên Giang đoàn kết sáng tạo, hội nhập và phát triển”, Đại hội đề ra nhiệm vụ xây dựng giai cấp nông dân vững mạnh, là chủ thể trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; Hội Nông dân vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động, là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế thế giới...
- Đại hội lần VIII, tháng 4/2013, thời gian 2 ngày, tại Hội trường Tỉnh ủy, có 259 đại biểu; Đại hội bầu 41 ủy viên BCH, đồng chí Nguyễn Thanh Long (Bảy Long) làm Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Thanh Long chuyển công tác, đồng chí Trần Chí Viễn làm Chủ tịch.
Với chủ đề “Đoàn kết - Đổi mới - Sáng tạo - Phát triển bền vững”, Đại hội phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới; đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng kết hợp chặt chẽ công tác tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giám sát, phản biện xã hội và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với đẩy mạnh hợp tác các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân.
- Đại hội lần IX, ngày 27 - 28/8/2018, thời gian 2 ngày, tại Hội trường Tỉnh ủy, có 290 đại biểu. Đại hội bầu 35 ủy viên BCH, đồng chí Trần Chí Viễn làm Chủ tịch; đồng chí Trần Chí Viễn chuyển công tác, đồng chí Bùi Thị Hiền làm Chủ tịch; tháng 7/2022 đồng chí Bùi Thị Hiền chuyển công tác, đồng chí Đỗ Trần Thịnh làm Chủ tịch.
Với tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, Đại hội đại biểu lần thứ IX Hội Nông dân tỉnh xác định phương hướng chung của nhiệm kỳ 5 năm (2018-2023) là xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Các cấp Hội trong tỉnh, tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thân của hội viên, nông dân, luôn dựa vào nông dân, vì nông dân; kết hợp chặt chẽ phương pháp vận động, tuyên truyền với phương pháp tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ hội viên, nông dân sản xuất, kinh doanh; vận động hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển và nâng cao chất lượng hội viên.
Ban Biên tập

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây