Kiên Giang đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Thứ hai - 08/05/2023 10:43
Nhằm triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản; khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn biên soạn tài liệu hỏi - đáp, với những nội dung cần lưu ý.
Tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tại xã Nam Du, huyện Kiên Hải.
Tuyên truyền chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), tại xã Nam Du, huyện Kiên Hải.

Hỏi: Khai thác hải sản bất hợp pháp là gì?
Trả lời:
Khai thác thủy sản bất hợp pháp là hoạt động khai thác thủy sản được thực hiện bởi tàu cá của Việt Nam, nước ngoài trong vùng biển thuộc quyền tài phán của một quốc gia mà không được phép, hoạt động trái với luật pháp, quy định của quốc gia đó hoặc tàu cá treo cờ của quốc gia đã ký thỏa ước với một tổ chức quản lý nghề cá khu vực nhưng hoạt động trái với các biện pháp bảo tồn và quản lý của tổ chức có tính chất ràng buộc đối với quốc gia tàu treo cờ, hoạt động trái với các điều khoản trong luật quốc tế được áp dụng hoặc tàu cá vi phạm luật quốc gia hay các nghĩa vụ quốc tế, bao gồm cả luật và nghĩa vụ quốc tế của các quốc gia hợp tác với một tổ chức quản lý nghề cá khu vực liên quan.
Hỏi: Khai thác hải sản không báo cáo là gì?
Trả lời:

Khai thác thủy sản không báo cáo là hoạt động khai thác thủy sản không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ cho cơ quan thẩm quyền của Việt Nam, trái với luật pháp và quy định của Việt Nam; được thực hiện trong khu vực thuộc thẩm quyền của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực liên quan, không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, trái với quy trình thủ tục báo cáo của tổ chức đó.
Hỏi:  Khai thác hải sản không theo quy định là gì?
Trả lời:

Khai thác thủy sản không theo quy định là hoạt động khai thác thủy sản được thực hiện trong khu vực hoạt động của một tổ chức quản lý nghề cá khu vực liên quan bởi các tàu cá không quốc tịch, tàu cá treo cờ của quốc gia không thuộc tổ chức, hay bởi bất kỳ một thực thể khai thác thủy sản nào khác theo cách thức không nhất quán hay trái với các biện pháp bảo tồn và quản lý của tổ chức đó hoặc được thực hiện bởi các tàu cá trong khu vực hay khai thác loài thủy sản không phải là đối tượng áp dụng của các biện pháp bảo tồn hay quản lý liên quan theo cách thức không nhất quán với trách nhiệm của quốc gia về bảo tồn nguồn sinh vật biển trong luật pháp quốc tế.
Hỏi: Để khắc phục “thẻ vàng” của EC, trước mắt cần phải làm gì?
Trả lời:

Phía EC yêu cầu lưu ý 4 điểm: (1) Đảm bảo không còn tàu cá vi phạm bị bắt giữ ở vùng biển nước ngoài; (2) Tất cả các vụ vi phạm từ trước đến nay cần được xử lý nghiêm minh, minh bạch với mức chế tài đủ răn đe, không dám tái phạm; (3) Tăng cường quản lý đội tàu, đảm bảo lắp đặt và vận hành thiết bị giám sát hành trình trên tàu; (4) Tăng cường kiểm soát sản phẩm thủy sản nhập khẩu cho chế biến, đảm bảo có nguồn gốc không phải IUU.
Trên cơ sở yêu cầu này, Chính phủ đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp:
- Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu cá mua, lắp thiết bị VMS và cước phí thuê bao vệ tinh để duy trì hoạt động thiết bị VMS.
- Kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại đồn/trạm biên phòng tuyến biển, tàu cá ra vào tại cảng cá; theo dõi, giám sát 24/7 100% tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá.
- Mở đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên các vùng biển; đặc biệt là tại khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước có liên quan.
- Chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
- Điều tra, xử lý 100% vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt 100% các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử phạt 100% hành vi khai thác IUU theo quy định.
- Điều tra, củng cố hồ sơ, truy tố xét xử các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
- Đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện đường dây nóng giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, Thái Lan, Trung Quốc để trao đổi thông tin, xử lý các vụ việc về tàu cá, ngư dân hai nước.
Ban Biên tập

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây