Mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thứ tư - 04/01/2023 19:05
Cùng với những nội dung quan trọng khác, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ sáu (khóa XIII), Đảng ta ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII. Ảnh: Phạm Cường
Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII. Ảnh: Phạm Cường
Đây là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Theo đó, Đảng ta đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là phấn đấu hoàn thành các tiêu chí của nước công nghiệp, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đời sống mọi mặt của nhân dân được nâng cao. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu của ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp, tỷ trọng công nghiệp đạt trên 40% GDP. Hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp; xây dựng được ngành công nghiệp quốc phòng, an ninh, tự lực, tự cường, hiện đại... Tầm nhìn đến năm 2045 Việt Nam hoàn thành quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, xã hội văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.
Để đạt các mục tiêu chủ yếu trên, Nghị quyết lần này đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Trước hết, phải đổi mới tư duy, nhận thức đầy đủ và sâu sắc về công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn mới. Nội dung cốt lõi của sự nghiệp công nghiệp, hiện đại hóa giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, để tạo bức phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế. Giai đoạn 2031 - 2045, tập trung nâng cao chất lượng công nghiệp hóa và đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội.
Đồng thời, phải tập trung xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường. Đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục cơ cấu lại ngành dịch vụ dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy đô thị hóa nhanh và bền vững gắn kết chặt chẽ và tạo động lực cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phát triển các thành phần kinh tế; đổi mới chính sách tài chính, tín dụng, quản lý sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả đi đôi với bảo vệ và phát triển thị trường trong nước. Phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh con người Việt Nam; xây dựng giai cấp công nhận hiện đại, lớn mạnh, lực lượng doanh nhân xung kích, đi đầu trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thế Anh
 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây