Ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang tiếp tục đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao

Thứ ba - 05/11/2024 15:45
Từ khi thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, ngành giáo dục của nước ta có những bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp vô cùng quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hòa chung vào sự phát triển đó, ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang cũng luôn nỗ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt (TP. Rạch Giá) chụp ảnh lưu niệm nhân ngày tựu trường năm học 2024-2025. Ảnh: Bích Tuyền
Học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Võ Văn Kiệt (TP. Rạch Giá) chụp ảnh lưu niệm nhân ngày tựu trường năm học 2024-2025. Ảnh: Bích Tuyền
 
Kể từ năm 1982, khi Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 167/HĐBT quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày này đã trở thành một trong những ngày lễ quan trọng và ý nghĩa của nước ta. Đây không chỉ là ngày để ôn lại truyền thống mà còn là ngày để nhân dân trong cả nước, nhất là các thế hệ học sinh, sinh viên thể hiện lòng biết ơn của mình đối với những người thầy, cô – những người đã và đang vun bồi, chăm dưỡng cho nguồn nhân lực, “nguyên khí” của đất nước.
Cả nước hiện có trên 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mầm non tới đại học, từ phổ thông đến hệ thống dạy nghề. Có hơn 900.000 nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có hơn 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai. Đội ngũ nhà giáo hiện đang đảm nhiệm việc dạy học cho trên 23 triệu học sinh học tập tại tất cả các chương trình, các bậc học và các loại hình giáo dục; tích cực tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội, từ Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội, liên hiệp hội, các tổ chức xã hội, họ là lực lượng có chuyên môn, hiểu biết, có trách nhiệm trong các hoạt động của đất nước.
Ngành Giáo dục tỉnh Kiên Giang đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ, nhất là sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Hệ thống trường, lớp tiếp tục được đầu tư, nâng cấp, các thiết bị giáo dục được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy và học. Đội ngũ nhà giáo ngày càng được chuẩn hóa, chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên, đạt mức khá trong vùng và trên mức bình quân chung của cả nước.
Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi vào các cấp học, ngành học tăng dần hằng năm. Kết quả phổ cập giáo dục được củng cố, duy trì (100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS và xóa mù chữ; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi). Quy mô và chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp ngày một tăng lên. Hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo được quan tâm, nhiều đề tài, mô hình, sáng kiến được triển khai, phục vụ tốt cho công tác quản lý, giảng dạy và học tập. Hợp tác quốc tế trong các trường đại học và cao đẳng được đẩy mạnh, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn trong việc cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển với mục tiêu cao và khát vọng lớn. Với vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài là một trong ba đột phá chiến lược để mở đường và tạo điều kiện cho phát triển. Vì vậy, ngành Giáo dục và đào tạo vinh dự được Đảng và Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu, là động lực và nền tảng để phát triển đất nước. Để thực hiện tốt sứ mệnh này, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Kiên Giang đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về giáo dục và đào tạo, tạo chuyển biến nhận thức, sự đồng thuận cả hệ thống chính trị và trong nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới giáo dục của địa phương. Đổi mới cơ chế quản lý nhà nước và quản trị nhà trường, xem đây là giải pháp đột phá để tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách mới hiệu quả hơn, khắc phục căn bản các hạn chế, bất cập gây bức xúc xã hội; tháo gỡ được những nút thắt, rào cản đổi mới giáo dục hiện nay.
Hai là, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố quyết định thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; rà soát, sắp xếp và bố trí đủ số lượng giáo viên, giảng viên bảo đảm quy định về khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên đối với các cấp học.
Ba là, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm số lượng, nâng cao chất lượng, cân đối về cơ cấu, đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; rà soát, bố trí, sắp xếp lại những giáo viên không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. 
Bốn là, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và kỹ năng vận dụng kiến thức của người học. Khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tập trung dạy cách học, cách tư duy, đề cao tự học, tự sáng tạo làm cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực...
Minh Vy
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây