Kiên Giang phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tích cực chăm lo cho người có công

Thứ ba - 09/07/2024 08:44
Thực hiện chủ trương của Đảng và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang tích cực thực hiện tốt các chính sách, chế độ cho gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng. Qua đó, thể hiện lòng tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh xương máu để đất nước ta có nền độc lập như ngày nay.
Các đại biểu dâng hương tại Lễ truy điệu, an táng 27 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia và trong nước đợt 26 năm 2023, tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hòn Đất. Ảnh: Thu Oanh
Các đại biểu dâng hương tại Lễ truy điệu, an táng 27 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia và trong nước đợt 26 năm 2023, tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Hòn Đất. Ảnh: Thu Oanh

 

Ngày 27/7/1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra cuộc họp để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ và thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chọn một ngày trong năm làm ngày “Thương binh”. Sau khi xem xét, hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Tại đây, ban tổ chức đã trịnh trọng đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi anh em thương binh toàn quốc. Người đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương và một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch. Hằng năm vào dịp này, Người cũng đều có thư và quà để gửi đến các anh em thương binh và gia đình liệt sĩ.
Từ tháng 7/1955, Ngày Thương binh được đổi thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị số 223/CT-TW, ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh, Liệt sĩ của cả nước.
Thực hiện chủ trương của Đảng và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành nhiều văn bản tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào đền ơn đáp nghĩa. Việc triển khai chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đến nay, đời sống các hộ gia đình chính sách được ổn định và từng bước cải thiện. Hiện toàn tỉnh có hơn 9.300 đối tượng là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi, tổng kinh phí chi trả hàng năm bình quân trên 180 tỷ đồng.
Các chế độ, chính sách ưu đãi cho từng đối tượng chính sách theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; chế độ tham quan, điều dưỡng, cấp bảo hiểm y tế; trợ cấp ưu đãi cho con của người có công với cách mạng đang theo học... được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Toàn tỉnh hiện có trên 19.680 người có công, thân nhân người có công được cấp bảo hiểm y tế; trên 3.400 người có công được điều dưỡng tại gia đình với số tiền trên 5 tỷ đồng.
Các phong trào đền ơn đáp nghĩa được duy trì thường xuyên như đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Hiện 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng đến cuối đời. 100% xã, phường được công nhận thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ. Việc xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình người có công được thực hiện tốt. Các hoạt động thăm hỏi, tặng quà vào các dịp lễ, tết được duy trì thường xuyên, góp phần chăm lo đời sống tinh thần người có công, thân nhân người có công.
Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hy sinh trong các thời kỳ chiến tranh; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; xây dựng, tu bổ công trình ghi công liệt sĩ được tỉnh chú trọng thực hiện. Từ năm 2001 đến nay, trên địa bàn 4 tỉnh Kampot, Kep, Shihanouk, KohKong (Vương quốc Campuchia), Đội K92 tìm kiếm, quy tập được trên 2.105 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đưa về nước an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh...
Thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Kiên Giang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng Nhà nước chăm sóc tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của người có công với cách mạng. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ để nâng cao nhận thức, lòng tự hào dân tộc, về trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước.
Minh Vy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây