Tuyên ngôn Độc lập - Giá trị và ý nghĩa thời đại

Thứ sáu - 06/09/2024 20:24
Cách đây 79 năm, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là áng văn lập quốc vĩ đại, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập - tranh bộ màu của Nguyễn Dương.
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập - tranh bộ màu của Nguyễn Dương.
 
Sau khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 28/8/1945, tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang - Hà Nội, Bác Hồ bắt đầu chắp bút khởi thảo bản "Tuyên ngôn Độc lập" khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới nước Việt Nam đã trở thành một “nước Việt Nam tự do và độc lập”.
Ngày 2/9/1945, cả Thủ đô Hà Nội bừng sáng, khắp mọi nẻo đường, con phố đều rực rỡ cờ, hoa và biểu ngữ. Trên lễ đài lớn tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của đông đảo Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trang trọng đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập", tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầu từ nay, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời.
Trong bản "Tuyên ngôn Độc lập", Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”
Tuyên ngôn Độc lập chính thức chỉ ra một chính quyền cách mạng mới của nhân dân Việt Nam được xây dựng và trưởng thành theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân và cả dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện “Không có gì quý hơn độc lập, tự do.”
Tuyên ngôn Độc lập là sản phẩm của sự kết hợp các giá trị của truyền thống anh hùng, bất khuất và ý chí độc lập dân tộc của Việt Nam với sứ mệnh cao cả của giai cấp vô sản. Nó thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới có sứ mệnh lịch sử cao cả và vĩ đại là giải phóng dân tộc và nhân loại. Bản Tuyên ngôn Độc lập là thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuyên ngôn Độc lập còn cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn xa về sự phát triển của lịch sử, có những dự báo thiên tài về tương lai của cách mạng cũng như quá trình hội nhập sâu rộng của cách mạng Việt Nam vào phong trào cách mạng thế giới. 
Trong suốt 79 năm qua, những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành sức mạnh to lớn, cổ vũ nhân dân Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ độc lập: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Thực tế, dân tộc Việt Nam vững bước tiến lên, giành được những thắng lợi lịch sử mang tầm thời đại, kiên trì đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; tiếp đó là các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Và chúng ta càng thêm tự hào gần 40 năm đổi mới đất nước, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; đời sống nhân dân được cải thiện; chính trị xã hội ổn định; độc lập chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng; uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức thi đua đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước ta vững bước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thái Văn Khởi
Trưởng phòng Tuyên truyền, Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây