Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang

Thứ bảy - 04/06/2022 08:43
Các loại hình nghệ thuật truyền thống có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Khmer ở Kiên Giang. Vì vậy, để tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị của các loại hình nghệ thuật này, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025.
Thiếu nữ đồng bào dân tộc Khmer với điệu múa dân tộc. Ảnh: Thế Hạnh
Thiếu nữ đồng bào dân tộc Khmer với điệu múa dân tộc. Ảnh: Thế Hạnh
Kiên Giang là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, đứng thứ 3 khu vực đồng bằng sông Cửu Long với hơn 230.000 người (chiếm 13,02% dân số toàn tỉnh) với đời sống văn hóa tinh thần rất phong phú, đa dạng, đặc sắc được đồng bào gìn giữ trong suốt quá trình lao động, sáng tạo và phát triển. Việc bảo tồn các loại hình này không chỉ nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào mà còn góp phần làm phong phú, đa dạng thêm nét văn hóa của tỉnh Kiên Giang.
Cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm đến việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn. Hàng năm, đều tổ chức Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang tại huyện Gò Quao; duy trì hoạt động của Đoàn nghệ thuật Khmer tỉnh và các chương trình phát thanh - truyền hình tiếng Khmer; hỗ trợ xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao, tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa trong vùng đồng bào dân tộc Khmer…
Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống Khmer vẫn còn nhiều hạn chế: Việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao chưa đồng bộ, nhiều loại hình có nguy cơ bị mai một, thất truyền; công tác tuyên truyền quảng bá nghệ thuật truyền thống Khmer chưa được thường xuyên và hiệu quả; chưa xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với trải nghiệm văn hóa dân tộc Khmer ở Kiên Giang; phong trào văn nghệ quần chúng vùng đồng bào dân tộc Khmer đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nhạc cụ, diễn viên, kinh phí; nhiều đội, nhóm văn nghệ truyền thống Khmer không còn hoạt động…
Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra một số giải pháp như sau:
Một là, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn lực làm công tác dân tộc và cán bộ văn hóa cơ sở vùng đồng bào Khmer. Chú trọng xã hội hóa, lồng ghép biểu diễn nghệ thuật truyền thống Khmer với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở và chương trình xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tôn vinh và phát huy vai trò các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng Khmer. Trong đó tập trung vào các hoạt động liên hoan, hội thi, trình diễn, quảng bá, hướng dẫn nghiệp vụ cho tuyến cơ sở.
Hai là, xây dựng các mô hình bảo tồn, trình diễn nghệ thuật truyền thống, tu bổ, tôn tạo các ngôi chùa Khmer; tăng thêm kinh phí và phương tiện hoạt động cho các đội văn nghệ quần chúng, đẩy mạnh công tác truyền dạy trong cộng đồng, xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao vùng đồng bào Khmer. Đưa nghệ thuật truyền thống Khmer vào phục vụ hoạt động du lịch, đồng thời khuyến khích các công ty du lịch, các đơn vị kinh doanh lữ hành thiết kế sản phẩm du lịch mang tính trải nghiệm về văn hóa truyền thống Khmer, lấy nghệ thuật truyền thống Khmer làm một điểm nhấn trong hoạt động của các tour du lịch tại Kiên Giang.
Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer. Sử dụng các hình thức tuyên truyền thông qua hệ thống Đài Phát thanh và Truyền hình, trang thông tin điện tử, báo in, tạp chí, cổ động trực quan, bảo tàng, triển lãm, các sự kiện văn hoá, du lịch, lễ hội...
Bốn là, đẩy mạnh công tác kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để lưu trữ lâu dài các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer ở Kiên Giang. Thường xuyên sưu tầm các bài bản trong nghệ thuật truyền thống Khmer để cập nhật, bổ sung vào hệ thống dữ liệu, biên soạn, in ấn và phát hành sách chuyên khảo, băng đĩa... để phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống Khmer và phổ biến rộng rãi đến công chúng.
Năm là, tăng cường tổ chức các hoạt động biểu diễn giao lưu nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer. Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển phong trào văn nghệ quần chúng vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tổ chức các hội thi, liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng Khmer các cấp. Hỗ trợ kinh phí, phương tiện để thành lập và duy trì hoạt động của một số đội văn nghệ truyền thống Khmer tiêu biểu. Khuyến khích viết kịch bản mới cho nghệ thuật sân khấu Dù kê, viết lời mới cho các làn điệu dân ca Khmer...
Sáu là, tăng cường mở các lớp truyền dạy về nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân Khmer và cán bộ văn hóa cơ sở. Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, tham quan học tập kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ văn hóa để nâng cao năng lực quản lý nhà nước và triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer. Kịp thời biểu dương các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc Khmer. Xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” để vinh danh những nghệ nhân có nhiều cống hiến cho nghệ thuật truyền thống Khmer trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Nguyễn Oanh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây