“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” thể hiện thật sự là niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đồng thời cũng là sự quyết tâm thực hiện nguyện vọng và lòng mong mỏi của Bác Hồ kính yêu: “... xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
“Khát vọng” theo cách hiểu phổ quát, đó là trạng thái tinh thần, phản ánh sự ước ao, mong muốn, đòi hỏi với một sự thôi thúc mạnh mẽ, nó thể hiện ý muốn cháy bỏng nhất về những giá trị cao quý, nó thúc đẩy con người thực hiện bằng được một vấn đề nào đó. Khát vọng của một dân tộc là sự cộng hưởng những khát vọng vươn lên của cộng đồng, của con người cùng quốc gia, dân tộc, tạo thành nguồn lực nội sinh, nguồn năng lượng to lớn, sống động và sức mạnh vô song. Đó chính là động lực trung tâm của một quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai. Đối với dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống đoàn kết - văn hiến - anh hùng, thì khát vọng phát triển đất nước thật sự là một sức mạnh nội sinh phi thường, là cội nguồn tạo nên những kỳ tích trong suốt tiến trình hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy Bác rất quan tâm đến sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc của nhân dân. Bác từng viết: “Chúng ta phải phấn đấu để đưa các dân tộc chúng ta đi tới một tương lai tươi sáng, làm cho Tổ quốc phồn vinh, làm cho con người được sống hạnh phúc hơn”.
Từ khát vọng mãnh liệt giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành chân lý: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”; “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Trong lời thề thứ hai của Điếu văn đọc tại Lễ truy điệu Người, đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu: “Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011): Mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ là xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế của chủ nghĩa xã hội, với kiến trúc thượng tầng về chính trị và tư tưởng, văn hóa phù hợp, làm cho nước ta trở thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh.
Như vậy, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc chính là tâm nguyện của Bác Hồ, là lời thề của Đảng ta trước anh linh của Người, là mục tiêu ghi trong Cương lĩnh phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta.
Tiêu đề Báo cáo chính trị đồng thời là chủ đề của Đại hội XIII của Đảng đã nêu: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỉ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Có thể thấy rằng, Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra một tầm nhìn chiến lược, một mục tiêu phát triển và một yêu cầu mới rất cao, đó là: Đến năm 2025: Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030: Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045: Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Muốn thực hiện được mục tiêu đó trong bối cảnh hiện nay, Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định: Chúng ta phải khơi dậy động lực phát triển to lớn, phải phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Hay nói cách khác, muốn thực hiện được khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc thì phải nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đó chính là phương pháp tạo ra sức mạnh hiện thực hóa khát vọng. Tức là làm sao phải khơi dậy quyết tâm, nghị lực của dân tộc ta, “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”, lấy sức ta để xây dựng, phát triển đất nước, làm cho đất nước ta mạnh lên, giàu lên, quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu mà Bác Hồ mong muốn.
Thế Anh