Nghị quyết số 20-NQ/TW tạo động lực cho việc củng cố và nâng cao chất lượng kinh tế tập thể

Thứ sáu - 02/09/2022 19:21
Tính đến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 2.163 tổ hợp tác sản xuất đang hoạt động, với hơn 43.700 tổ viên và 6.500 ha đất canh tác; có 529 hợp tác xã, tăng 15 hợp tác xã so với năm 2021, với 54.000 thành viên, hơn 64.000 ha đất canh tác, trong đó có 466 hợp tác xã nông nghiệp, 41 hợp tác xã phi nông nghiệp và 22 quỹ tín dụng nhân dân.
Nông dân trong Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc, huyện An Minh, thu hoạch chuối xiêm bán cho thương lái. Ảnh: Thu Oanh
Nông dân trong Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Minh Bắc, huyện An Minh, thu hoạch chuối xiêm bán cho thương lái. Ảnh: Thu Oanh
Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, các tổ hợp tác và hợp tác xã đã có nhiều hoạt động tích cực. Ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các tổ hợp tác và hợp tác xã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm được giống, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ngày công lao động, làm tăng năng suất và thực hiện tốt các khâu dịch vụ hỗ trợ như bơm tát, làm đất, thu hoạch, vật tư nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho tổ viên, xã viên. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các tổ hợp tác và hợp tác xã đã góp phần tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn; duy trì, phục hồi các ngành nghề truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm cung ứng cho thị trường. Ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, các tổ hợp tác và hợp tác xã từng bước đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, tăng cường liên kết để cung ứng hàng hóa, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động...
Tuy nhiên, hiện nay các tổ hợp tác và hợp tác xã hoạt động còn nhiều khó khăn, quy mô còn nhỏ, thu nhập của tổ viên, xã viên còn hạn chế, đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành chưa ngang tầm...
Để khắc phục tình trạng chung của kinh tế hợp tác cả nước cũng như của Kiên Giang, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã kiểm điểm, đánh giá, tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đồng thời, ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng là: Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...) trong đó, hợp tác xã là nòng cốt. Phát triển kinh tế tập thể cả về số lượng lẫn chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, đảm bảo sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn. Có chính sách ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy đảng, chính quyền trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên.
Nếu Nghị quyết số 20-NQ/TW lần này được triển khai chặt chẽ, rộng khắp, các cấp ủy đảng và chính quyền quyết tâm chỉ đạo, thực hiện, chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của kinh tế tập thể, mà trọng tâm là hợp tác xã.
Thiện Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây