Những nghị quyết mới của Đảng liên quan đến nông dân

Thứ bảy - 02/07/2022 22:33
Sau Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành 3 nghị quyết có liên quan đến nông dân, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII). Ảnh: TL
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII). Ảnh: TL
3 nghị quyết đó là: Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Đại hội đã đề ra mục tiêu phấn đấu mang tầm nhìn chiến lược, mang tính đột phá cho 3 giai đoạn: Đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Muốn thực hiện đạt các mục tiêu quan trọng đó phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, mà trong đó vai trò của nông dân hết sức to lớn. Vì vậy, các nghị quyết mới ban hành sau hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) đều có đề cập đến vấn đề nông dân.
Trên cơ sở 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI), lần này Đảng ta ban hành nghị quyết về đất đai có nhiều vấn đề mới liên quan đến nông dân. Tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu. Quyền sử dụng đất là một tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Người sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai. Không điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, nhất là trong cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố, nâng cao.
Nghị quyết mới lần này, Đảng ta chỉ đạo phải nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn nữa về vị trí, vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Coi đây là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa, theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”...
Trên cơ sở tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu trong thời gian tới phải thường xuyên quan tâm đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới. Coi đây là một thành phần kinh tế quan trọng cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đồng thời khẳng định: Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên./.
Minh Thi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây