Sự cần thiết ban hành các nghị quyết về đất đai; nông nghiệp, nông dân, nông thôn và kinh tế tập thể

Thứ sáu - 05/08/2022 09:32
Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã bàn và sau đó ra nhiều nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết về đất đai; nông nghiệp, nông dân, nông thôn và kinh tế tập thể.
Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII). Ảnh: TL
Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII). Ảnh: TL
Chúng ta đều biết, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Việt Nam có diện tích 336.836 km2, đứng thứ 66 trên thế giới, với dân số trên 98 triệu người, đứng thứ 13 trên thế giới.
Nhận thức về đất đai cũng như quản lý và sử dụng đất đai không chỉ là vấn đề kinh tế rộng lớn, phức tạp mà còn là vấn đề chính trị - xã hội rất hệ trọng, nhạy cảm, liên quan đến việc giữ vững thành quả của cách mạng, của cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, nên vấn đề này luôn luôn là vấn đề được Đảng ta thường xuyên quan tâm từ khi Đảng ra đời cho đến nay.
“Lao động là cha, đất đai là mẹ của của cải vật chất”. Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất, trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai.
Nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Nông dân có vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn. Kinh tế tập thể là một thành phần kinh tế quan trọng, cùng với kinh tế nhà nước ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là vấn đề rất đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước.
Nhìn lại lịch sử cách mạng Việt Nam và thực tiễn hơn 35 năm đổi mới, đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kinh tế tập thể đã có đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân. Nông sản Việt Nam có mặt tại 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, khoảng 40 loại rau quả của Việt Nam được xuất sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều mặt hàng như gạo, cà phê, hạt điều, hải sản; các loại quả như vải, xoài, chanh leo, bưởi, thanh long… được xuất sang các thị trường lớn, yêu cầu cao, như: EU, Hoa Kỳ, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu phát triển đất nước cho những năm tới khá cao, đặc biệt là đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện đạt được mục tiêu, văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…”
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là động lực là điểm nhấn cho sự phát triển. Trong đó đất đai là nền tảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kinh tế tập thể là nguồn lực to lớn, có vị trí, vai trò rất quan trọng cho những năm tới.
Minh Thi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây