Một số điều cần biết về bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng ngừa

Thứ bảy - 04/06/2022 09:08
Hiện nay, bệnh đậu mùa khỉ đang bùng phát và xuất hiện tại 12 quốc gia trên thế giới như: Anh, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Thụy Điển… Tại Việt Nam, chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý các dấu hiệu nhận biết nhiễm bệnh và biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe, nhất là cho trẻ em, người lớn tuổi.
Phát ban là một trong những dấu hiệu nhận biết bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: ST
Phát ban là một trong những dấu hiệu nhận biết bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: ST
1. Bệnh đậu mùa khỉ là gì?
Bệnh đậu mùa khỉ là một căn bệnh hiếm gặp, do virus có “họ hàng” với bệnh đậu mùa phổ biến gây ra, được phát hiện vào năm 1958. Người mắc bệnh thường có các triệu chứng như phát ban, sốt, đau đầu…
Y văn ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm trực tiếp qua tiếp xúc với người nhiễm (tiếp xúc với chăn ga gối trải giường, quần áo, khăn mặt, dịch tiết, giọt bắn đường hô hấp…). Hầu hết những người nhiễm bệnh đều hồi phục sau vài tuần, tỷ lệ tử vong không cao. Tuy vậy, có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh diễn tiến nặng, có khả năng tử vong bao gồm: Người mắc bệnh có tiếp xúc lâu dài với virus, trẻ em, người có hệ miễn dịch kém…
2. Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ
Nếu một người không may mắc bệnh đậu mùa khỉ thì thời gian ủ bệnh đến lúc xuất hiện các triệu chứng trong thời gian từ 5 đến 21 ngày. Các triệu chứng của người mắc bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: Sốt (thường là triệu chứng bệnh đầu tiên); đau đầu dữ dội, đau mỏi lưng và các cơ, ớn lạnh, mệt mỏi uể oải, nổi hạch.
Sau khi có biểu hiện sốt, người bị bệnh đậu mùa khỉ có thể bị phát ban sau đó từ 1 đến 3 ngày. Các dấu phát ban có thể xuất hiện ở:
- Trên khắp gương mặt (95% bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phát ban trên mặt);
- Lòng bàn tay, bàn chân (tỷ lệ phát ban ở lòng bàn tay, bàn chân cũng tương đối cao, lên đến khoảng 75%);
- Miệng;
- Mắt (bao gồm cả giác mạc và kết mạc);
- Cơ quan sinh dục.
Các nốt phan ban ban đầu chỉ hơi sần trên bề mặt da và sau đó phát triển nghiêm trọng hơn, trở thành mụn nước, sưng to rồi dần chuyển sang mụn mủ rồi mới khô lại, đóng vảy và xẹp xuống. Thông thường, các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ sẽ kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi, người bệnh không cần thực hiện các biện pháp điều trị đặc biệt.
3. Bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào?
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với máu, chất lỏng trong cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vết thương trên da hoặc niêm mạc của người bệnh (hoặc của động vật mắc bệnh). Ngoài ra, ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc với các vật dụng của người bệnh (chăn ga gối nệm, khăn mặt, quần áo…) hoặc cũng có thể lây từ mẹ sang thai nhi và dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh.
Những trường hợp cần thực hiện tầm soát bệnh đậu mùa khỉ:
- Đang sống chung, làm việc chung với người bị bệnh đậu mùa khỉ hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Vừa đi du lịch đến một đất nước/khu vực đang xuất hiện các ca bệnh đậu mùa khỉ.
- Bị cắn hoặc cào từ động vật bị nhiễm bệnh/nghi ngờ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
- Ăn các loài động vật không rõ nguồn gốc, có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Sống ở các khu vực rừng nhiệt đới, có các loài vật nhiễm bệnh đậu mùa khỉ sinh sống.
4. Những biến chứng có thể gặp khi nhiễm bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ tuy khó lây lan giữa người với người hơn so với Covid-19 và các triệu chứng của bệnh cũng không quá nghiêm trọng, bệnh có thể tự khỏi sau 2 đến 4 tuần. Tuy nhiên, bệnh vẫn gây ra một số biến chứng nguy hiểm mà người dân cần cảnh giác, như: Nhiễm trùng máu; viêm mô não; viêm phế quản phổi, nhiễm trùng giác mạc, mất thị lực, các vết thương trên da trở nên nghiêm trọng hơn khiến da bong ra thành từng mảng lớn...
5. Một số biện pháp phòng ngừa
- Tránh tiếp xúc với động vật có nguy cơ nhiễm vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ (động vật bị bệnh, động vật chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa khỉ, động vật nghi ngờ nhiễm bệnh…).
- Thực hiện ăn chín, uống sôi. Chỉ ăn các loài động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định.
- Tránh tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh. Không chạm vào các vật dụng của người có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Cách ly người có triệu chứng bệnh/có nguy cơ nhiễm bệnh.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác.
- Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa. Chưa có vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ nhưng việc tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa có thể làm giảm đến 85% nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
- Nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh. Thường xuyên cập nhật các thông tin bệnh.
Ban Biên tập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây