Một số điều cần lưu ý trong điều trị và phòng ngừa virus Adeno

Thứ hai - 03/10/2022 15:09
Hiện nay, một số địa phương trên cả nước đang bùng phát bệnh do virus Adeno - loại virus có khả năng gây viêm đường hô hấp ở người, nhất là đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trước tình hình này, người dân cần lưu ý một số vấn đề trong phòng bệnh hiệu quả.
Virus Adeno.
Virus Adeno.
1. Virus Adeno là gì?
Virus Adeno được phát hiện lần đầu vào năm 1953 từ mạch hạch hạnh nhân trong cơ thể con người. Virus này thuộc họ Adenoviridae và được phân thành 2 nhóm chính: nhóm gây bệnh ở chim và nhóm gây bệnh ở động vật có vú. Ở nhóm gây bệnh cho động vật có vú (bao gồm cả con người), các chuyên gia đã phân lập được 47 loại virus Adeno. Trong đó:
- Type 1-5, 7, 14 và 21 vừa gây bệnh viêm họng hạch vừa gây bệnh viêm kết mạc.
- Type 40 và 41 thường gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em.
- Type 5, 8, 19 thường gây ra các bệnh nặng hơn.
Adenovirus gây bệnh ở người được chia thành 6 nhóm ký hiệu từ A – F dựa trên đặc điểm sinh lý, sinh hóa và sinh học phân tử. Loại virus này có thể tồn tại, gây bệnh trong thời gian dài ở ngoại cảnh, khoảng 30 ngày ở nhiệt độ phòng; có thể sống nhiều tháng ở 400C, -2000C tồn tại được nhiều năm. Tuy nhiên, virus có thể bị tiêu diệt bởi tia cực tím và môi trường nước sôi 100°C.
Adeno có thể gây bệnh cho mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ nhiễm virus này cao hơn do có sức đề kháng kém.
2. Khả năng gây bệnh của virus Adeno
Virus Adeno có khả năng gây bệnh ở nhiều bộ phận trong cơ thể con người như đường hô hấp, tiêu hóa, mắt… Trong các nhóm virus gây bệnh thì Adenovirus nhóm B có khả năng gây bệnh nhiều và thường gặp nhất. Sau khi gây bệnh, virus có thể tồn tại nhiều năm tại hạch hạnh nhân.
Một số bệnh lý phổ biến do virus Adeno gây ra:
- Viêm họng cấp: Bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với những triệu chứng như sốt, đau đầu, sưng họng, ho, chảy nước mũi. Tình trạng này thường kéo dài khoảng 7 – 14 ngày, có thể lây lan nhanh, trở thành dịch. Triệu chứng bệnh thường khó phân biệt với những trường hợp nhiễm virus khác.
- Viêm họng kết mạc: Bệnh có triệu chứng giống với viêm họng cấp nhưng kèm thêm viêm kết mạc thành dịch ở người trẻ tuổi và trẻ em (kết mạc mắt đỏ, thường không đau, có chảy dịch trong). Bệnh lây lan nhanh tạo thành dịch, đặc biệt thường xuất hiện vào mùa hè. Người bệnh có thể bị lây qua đường hô hấp hoặc khi tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh.
- Viêm cấp tính đường hô hấp: Biểu hiện của bệnh là triệu chứng viêm họng, hạch cổ sưng đau, ho, sốt có thể trên 390C. Bệnh diễn biến cấp tính, thường khỏi nhanh sau 3 – 4 ngày. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh là trẻ nhỏ và người lớn.
- Viêm phổi: Chủ yếu người mắc bị nhiễm type 3 và 7, chiếm tỷ lệ 10% viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ. Triệu chứng bệnh thường xuất hiện đột ngột, sốt cao trên 390C, ho, chảy nước mũi, có những dấu hiệu tổn thương ở phổi. Các tổn thương này có khả năng lan rộng và để lại di chứng, thậm chí gây tử vong.
- Viêm kết mạc mắt (bệnh đau mắt đỏ) thường tạo thành dịch vào mùa hè. Nguyên nhân chủ yếu hình thành bệnh là do lây qua nước ở hồ bơi. Biểu hiện của bệnh là kết mạc mắt đỏ (một hoặc cả hai bên), có chảy dịch trong, dễ bị bội nhiễm vi khuẩn nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
- Viêm dạ dày – ruột: Người bệnh có biểu hiện đi ngoài nhiều nước. Tình trạng này kéo dài khoảng 7 ngày kèm theo sốt, buồn nôn, nôn và những dấu hiệu viêm đường hô hấp, viêm kết mạc. Virus gây bệnh ở đường tiêu hóa được đào thải trong phân và là nguồn lây chủ yếu trong cộng đồng.
- Bệnh viêm bàng quang: Virus Adeno còn là nguyên nhân gây ra viêm bàng quang ở trẻ em, đặc biệt là bé trai. Virus có thể nằm trong nước tiểu của người bệnh. Ở niệu đạo và tử cung cũng có thể xuất hiện virus. Vì thế, đây được coi là bệnh lây qua đường tình dục.
Ngoài ra, hiện nay các nhà khoa học cũng cho rằng virus Adeno có thể là nguyên nhân gây viêm gan nặng ở trẻ em, do type 41 gây ra.
3. Phương thức lây truyền của virus Adeno
- Tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp.
- Lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm do dịch tiết từ mắt, mũi, phân của bệnh nhân.
- Tiếp xúc gián tiếp khi dùng chung những vật dụng cá nhân với người bị nhiễm virus Adeno.
- Lây truyền qua giọt bắn nước bọt như các hạt khí thông qua đường hô hấp.
- Lây truyền qua bể bơi bị nhiễm Virus Adeno.
- Quá trình lây nhiễm virus Adeno thường xảy ra ở các phòng khám bệnh, nhất là ở phòng khám mắt. Các nhân viên y tế trong phòng khám có khả năng cao bị nhiễm bệnh và họ sẽ trở thành nguồn lây truyền bệnh tiếp theo cho gia đình và những người xung quanh.
4. Phương pháp điều trị virus Adeno
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do virus Adeno gây ra. Đối với những trường hợp nhiễm virus thể nhẹ, người bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị.
Trong trường hợp trẻ sốt cao trên 38,5 độ cho trẻ uống thuốc hạ sốt, bù nước và điện giải, bổ sung dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng và theo dõi biến chứng bội nhiễm, viêm phổi để có biện pháp điều trị hỗ trợ kịp thời.
Việc sử dụng thuốc kháng sinh hay thuốc kháng virus chỉ được chỉ định trong các trường hợp đặc biệt, bệnh nặng, suy giảm miễn dịch và phải do bác sĩ cân nhắc chỉ định.
Khi trẻ bệnh, cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ tốt, nhỏ mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý để giảm đau họng; đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, mềm, có mùi vị dễ chịu, dễ nuốt, dễ tiêu như cháo thịt, cháo sườn nhừ, cháo gà, súp gà...; cần chia nhỏ bữa ăn, để hạn chế nôn trớ và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
5. Một số biện pháp phòng bệnh do virus Adeno gây ra
Bệnh do Adenovirus gây ra hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điệu trị đặc hiệu, mà chỉ điều trị triệu chứng như những bệnh viêm hô hấp do virus; đa số bệnh nhân sẽ tự khỏi, ngoài nguy cơ chuyển nặng cao ở những trẻ có bệnh nền, thể trạng yếu, sức đề kháng kém.
Do đó, để phòng lây nhiễm vius Adeno, phụ huynh cần nâng cao thể trạng cũng như tăng sức để kháng cho trẻ, tiêm vắc xin phòng cúm. Với trẻ nhỏ tháng nên cho uống Vitamin A 6 tháng/lần tại trạm y tế; rửa tay thường xuyên, khi ho nên che miệng, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Khi bị nhiễm virus Adeno không nên tiếp xúc gần với nhiều người, nhằm tránh lây lan virus cho cộng đồng. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cha mẹ cần đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Ngoài ra, cần thường xuyên vệ sinh các vật dụng trong gia đình. Cho trẻ mặc quần áo phù hợp với nhiệt độ môi trường, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh, nhất là vào thời điểm giao mùa. Không để trẻ ra nhiều mồ hôi khi chơi đùa để tránh nhiễm lạnh…
Ban Biên tập

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây