Phòng tránh bệnh thường gặp những ngày giáp Tết

Thứ tư - 04/01/2023 19:24
Những ngày giáp Tết, thời tiết lạnh, độ ẩm cao, đây là điều kiện thuận lợi để virus và vi khuẩn bùng phát. Thêm vào đó, trong những ngày này, mọi người thay đổi thói quen sinh hoạt, vui chơi khiến sức đề kháng kém và dễ mắc bệnh. Vì vậy, mọi người cần lưu một số biện pháp phòng bệnh để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình trong những ngày giáp Tết.
Người dân chọn mua thực phẩm tại siêu thị Vinmart. Ảnh: ST
Người dân chọn mua thực phẩm tại siêu thị Vinmart. Ảnh: ST
1. Chú ý chế độ dinh dưỡng
- Đối với người bị bệnh tim mạch, huyết áp, nhồi máu cơ tim cần kiêng rượu bia, thuốc lá, đồ ăn mặn, không thức khuya hoặc hưng phấn quá độ. Đây là thời điểm nhiều người bị đột quỵ do sinh hoạt và vui chơi quá đà, mất kiểm soát. Trong quá trình vui chơi nghỉ lễ, nếu thấy có dấu hiệu bất thường, hoặc thoáng qua cần báo ngay cho người nhà để được cấp cứu kịp thời.
- Người mắc bệnh về gan, dạ dày cần tuyệt đối hạn chế hoặc bỏ rượu bia, giảm thịt, đồ ăn nhiều đạm, chất béo, ngọt, gia vị cay nóng; nên uống nhiều nước trà, ăn rau tươi, trái cây. Không nên thức quá khuya vì có hại cho gan. 
- Người có tiền sử bị gút cần hạn chế ăn uống tụ tập, nhậu nhẹt. Kiêng hoàn toàn rượu bia, hạn chế thịt mỡ. Có thể ăn rau má để giúp lợi tiểu. Tuyệt đối không nên ăn nhiều chất đạm và nội tạng động vật.
- Người bị suy nhược cơ thể do ăn ngủ thất thường hoặc mới ốm dậy, sức đề kháng yếu cần tăng thời gian nghỉ ngơi và luyện tập thể dục. Hạn chế khách thăm viếng hoặc đi lại nhiều.
2. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Trong ngày giáp Tết, cần chú ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời tiết ẩm ướt dễ khiến thực phẩm bị nấm mốc; nhiều cơ sở chế biến thực phẩm thiếu an toàn có thể làm tăng nguy cơ hình thành dịch bệnh như thổ tả, kiết lỵ, cúm... Vì vậy, người dân cần chú ý giữ gìn môi trường sống, thu gom rác thải và dọn dẹp thường xuyên trong quá trình nghỉ lễ.
Đồng thời, hạn chế mua các thực phẩm chế biến sẵn, các thực phẩm tích trữ trong tủ lạnh cần được bảo quản khoa học, hợp lý. Chú ý ăn ít, uống sôi; tránh ăn các thực phẩm lạ, nhiều dầu mỡ, không ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán, gây khó tiêu. Tăng cường ăn rau xanh, trái cây, hạn chế bia rượu; rau xanh, trái cây cần ngâm nước muối nhạt và rửa sạch trước khi ăn.
3. Một số phương pháp phòng tránh dịch bệnh
- Cần tiêm phòng đầy đủ, kể cả các mũi nhắc lại như bệnh sởi, rubella, ho gà, uốn ván, nhất là tiêm phòng cúm.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
- Cẩn thận khi tiếp xúc với những người đang bị bệnh truyền nhiễm như cúm, ho, tiêu chảy, sởi... Khi đến chỗ đông người cần đeo khẩu trang và rửa sạch tay chân.
- Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Đảm bảo cân bằng dinh dưỡng chất nhóm chất tinh bột, đạm, khoáng chất.
- Nên uống nước ấm, tránh ăn uống các thực phẩm lấy trực tiếp từ tủ lạnh.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Nhất là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Mỗi gia đình cần có nước nuối sinh lý hoặc dung dịch rửa mũi.
- Cần chú ý đảm bảo không gian sống, loại bỏ các vũng nước đọng, giữ nhà cửa luôn khô ráo.
- Nếu nghi ngờ mắc bệnh, cần đi khám bác sĩ, không nên tùy ý điều trị.
Ban Biên tập
 

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây