Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc

Thứ sáu - 01/04/2022 10:33
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Nguyễn Ái Quốc tham dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, ngày 26/12/1920. Ảnh: TL
Nguyễn Ái Quốc tham dự và phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua, ngày 26/12/1920. Ảnh: TL

Trong Chánh cương vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được hội nghị thành lập Đảng thông qua (3/1930) xác định mục tiêu chính trị của Đảng là: Đánh đổ đế quốc Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam hoàn toàn độc lập. Như vậy, đối với cách mạng Việt Nam, độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước hết, là cơ sở, tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, chủ nghĩa xã hội là con đường củng cố vững chắc độc lập dân tộc, giải phóng dân tộc một cách hoàn toàn triệt để.

Năm 1945, tình hình Chiến tranh thế giới thứ hai chuyển biến mau lẹ, có lợi cho cách mạng Việt Nam. Khi đó, nhân dân ta đang sống trong nỗi thống khổ, lầm than, nên vấn đề giành độc lập dân tộc được Đảng ta đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh đã nêu lên quyết tâm phải đứng lên đấu tranh, giành bằng được độc lập dân tộc. Người nói: “Dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố với thế giới và toàn thể quốc dân đồng bào rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng,tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Ý chí và quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ trong thư gửi Liên hợp quốc năm 1946: “Nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, Người ra lời hiệu triệu: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên một chân lý thời đại, một tuyên ngôn bất hủ của các dân tộc trên thế giới khát khao nền độc lập, tự do: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Với tư tưởng trên của Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, lần lượt đánh thắng hai kẻ thù hung bạo và giàu mạnh nhất thế giới. Từ đây, đất nước ta hoàn toàn thống nhất, dân tộc ta hoàn toàn độc lập, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc bao giờ cũng gắn liền với đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, những người đã trực tiếp làm nên thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ. Người đã từng bộc bạch đầy tâm huyết: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Ngay sau khi nước Viêt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Hồ Chí Minh yêu cầu Chính phủ phải: Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân có học hành.

Để bảo đảm vững chắc độc lập dân tộc, để không rơi vào lệ thuộc, đói nghèo, lạc hậu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng chặng đường tiếp theo chỉ có thể là đi lên chủ nghĩa xã hội. Do những đặc trưng nội tại của mình, chủ nghĩa xã hội sẽ củng cố những thành quả đã giành được trong cách mạng dân tộc dân chủ, tạo điều kiện để bảo đảm cho độc lập và phát triển dân tộc. Người khẳng định: Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng triệt để các dân tộc bị áp bức khỏi ách nô lệ; chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới bảo đảm cho một nền độc lập thật sự, chân chính.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đảm bảo thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Cương lĩnh của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa”; “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa…”. Điều này thể hiện Đảng ta tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Mai Tưởng
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây