Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Thứ sáu - 05/08/2022 09:23
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nội dung cốt lõi xuyên suốt toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam kể từ khi Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Nhờ sức mạnh của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta đã giành được thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, ngày 2/9/1945. Ảnh: TL
Kể từ khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công vào năm 1917, Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy rằng: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”, bởi theo Người: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật”. Vì vậy, Người chỉ ra rằng, con đường cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc gắn với giải phóng giai cấp, độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là con đường đúng đắn nhất để tiến hành cách mạng ở nước ta.
Năm 1930, Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo xác định đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Như vậy, mục tiêu của cách mạng Việt Nam chính là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước hết, là cơ sở, tiền đề để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Theo Người, con đường cách mạng Việt Nam có hai giai đoạn: Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cách mạng dân tộc dân chủ có hai nhiệm vụ chiến lược cơ bản, trong đó giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ dân chủ được thực hiện tiến trình từng bước và phục tùng nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Vì thế, ở giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ thì độc lập dân tộc là mục tiêu trực tiếp, trước mắt, cấp bách. Điều này được thể hiện ở từng giai đoạn cách mạng.
Trong giai đoạn 1930-1945, mục tiêu cách mạng giai đoạn này là lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, phong kiến tay sai và tầng lớp tư sản, địa chủ chống lại độc lập dân tộc. Giai đoạn này, lực lượng cách mạng Việt Nam là toàn thể nhân dân, bao gồm công nhân, nông dân, tầng lớp tiểu tư sản, tư sản dân tộc, trung, tiểu địa chủ, các cá nhân yêu nước, trong đó nòng cốt là liên minh công - nông, tập hợp dưới ngọn cờ giải phóng dân tộc do đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Tám 1945 đã giành thắng lợi. Đó là thắng lợi lịch sử đầu tiên của tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng giải phóng dân tộc thuộc phạm trù cách mạng vô sản. Thắng lợi này đã mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Trong giai đoạn 1945-1954, là thời kỳ bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng những cơ sở đầu tiên của chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Thời kỳ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận về con đường cách mạng Việt Nam, kiên trì quan điểm phát huy cao độ ý thức độc lập tự chủ, tự lực tự cường, đi đôi với ra sức tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế, dựng nước đi đôi với giữ nước, bảo vệ độc lập của Tổ quốc và xây dựng từng bước chế độ mới. Đây là nguyên nhân quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Giai đoạn 1954-1975, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, phát triển tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trong điều kiện mới. Người tập trung xây dựng và chỉ đạo đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong mối quan hệ giữa cách mạng hai miền, Người xác định rất rõ vị trí, vai trò, nhiệm vụ cách mạng từng miền và tác động, hỗ trợ lẫn nhau của cách mạng hai miền. Đây là sự cụ thể hoá nội dung con đường cách mạng vô sản, sự gắn bó chặt chẽ giữa nhiệm vụ dân tộc, dân chủ với chủ nghĩa xã hội - con đường mà Hồ Chí Minh đã đề xuất và kiên trì bảo vệ.
Sau khi nước nhà thống nhất, Đảng ta tiếp tục vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với chỉ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; kiên định theo mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn, Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua những khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Thực tiễn đó chỉ ra rằng, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là ngọn cờ, là quy luật và xu thế phát triển tất yếu của thời đại giúp nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.
Minh Vy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây