Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay

Thứ năm - 03/11/2022 09:22
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển giáo dục của đất nước. Người cho rằng “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Vì vậy, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo là trách nhiệm của Đảng ta, với mục tiêu cao nhất và duy nhất là làm cho dân tộc ta giàu mạnh, đất nước ta có thể “sánh vai với các cường quốc” trên toàn thế giới.
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng tại phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958. Ảnh: TL
Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng tại phố Hàng Than, Hà Nội, năm 1958. Ảnh: TL
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục vì con người, có vai trò huấn luyện, bồi dưỡng, phát triển toàn diện con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa. Giáo dục phải góp phần đào tạo ra được những người lao động mới. Đó là những người có lòng yêu nước nồng nàn, “trung với nước, hiếu với dân”, có đạo đức cách mạng trong sáng, có chí khí hăng hái vươn lên, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, có tri thức và sức khỏe để trở thành những người chủ tương lai của đất nước.
Người chỉ ra những mục tiêu của giáo dục là “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, phát triển toàn diện con người, thúc đẩy hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”. Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. “Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”; “Học để sửa chữa tư tưởng”; “Học để tu công đạo đức cách mạng”... Muốn đạt được những mục tiêu đó, nội dung giáo dục phải toàn diện, phù hợp với tính chất của trường học dưới chế độ mới; phù hợp với đặc điểm Việt Nam trong bối cảnh chung của thế giới.
Khi đã xác định mục tiêu của giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra các nội dung đổi mới và phát triển giáo dục một cách toàn diện, sâu sắc. Người ban hành nhiều sắc lệnh liên quan đến giáo dục, như Sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ (6/9/1945); Sắc lệnh về việc thiết lập một quỹ tự trị cho trường đại học Việt Nam, Sắc lệnh về việc thành lập Hội đồng Cố vấn học chính (10/10/1945)... Trong tác phẩm “Đời sống mới” năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra những việc cần làm ngay với giáo dục, đó là xóa bỏ nền giáo dục thực dân và xây dựng nền giáo dục mới xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, phải xây dựng được nền giáo dục toàn dân, toàn diện và giáo dục suốt đời. Đây có thể xem là 3 nội dung cơ bản bao quát toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, cũng là hướng đích của quản lý giáo dục nước nhà trong suốt những năm qua.
Về giáo dục toàn dân: Giáo dục toàn dân là việc xây dựng nền giáo dục hướng tới mọi đối tượng, ai cũng được học hành, không chỉ tập trung vào một bộ phận, một giai cấp, tầng lớp nào.
Về giáo dục toàn diện: Đào tạo ra những con người toàn diện cả về tư cách, nhân phẩm, đạo đức, chứ không chỉ có tri thức, kiến thức. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục toàn diện là phải giáo dục đồng thời cả đạo đức và tài trí, trong đó, đạo đức đóng vai trò nền tảng cho sự phát triển nhân cách con người.
Về giáo dục suốt đời: Đây được xem là tư tưởng tiến bộ vượt bậc của Người trong xây dựng nền giáo dục toàn dân, toàn diện và khi xây dựng được nền giáo dục toàn dân và toàn diện thì sẽ bảo đảm được mục đích học tập suốt đời. Đây là luận điểm quan trọng mà giáo dục Việt Nam hiện đại đang nghiên cứu, áp dụng. Việc hình thành nhân cách con người là do yếu tố gia đình trước hết, nhưng việc biến đổi, phát triển nhân cách con người lại do tác động xã hội là chủ yếu. Do vậy, trong suốt cuộc đời, con người vẫn luôn phải học tập, tu dưỡng, rèn luyện, luôn phải tự trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết. Xây dựng một xã hội học tập, bảo đảm cho mọi người dân đều được học khi có nhu cầu là nền tảng quan trọng và bền vững cho sự phát triển của đất nước.
Kế thừa và phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, Đảng ta đã không ngừng đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam... Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội và điều kiện cho mọi công dân được học tập suốt đời”.
Sau 35 năm đổi mới đến nay, nền giáo dục Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ: Giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi; giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt hơn, được thế giới công nhận; kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở và xóa mù chữ được duy trì vững chắc. Quy mô giáo dục nghề nghiệp ngày càng tăng, chất lượng được cải thiện. Quản lý, quản trị đại học có chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng cao; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đổi mới, phát triển. Hiện nay, nước ta có 100% tỉnh/thành phố đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; trên 8.400 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. Nhiều chỉ số về giáo dục của Việt Nam được đánh giá cao trong khu vực, như: tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1; tỷ lệ học sinh đi học và hoàn thành chương trình tiểu học sau 5 năm; học sinh Việt Nam tham gia kỳ đánh giá quốc tế như toán, IMC, Robotics, cờ vua... đều đạt thứ hạng cao.
Có thể khẳng định, những quan điểm sáng tạo về xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam luôn là ngọn đuốc soi đường cho Đảng và toàn dân ta. Giáo dục toàn dân, giáo dục toàn diện và giáo dục suốt đời đã trở thành phương châm của ngành giáo dục với mục tiêu xây dựng con người Việt Nam có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Minh Vy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây