Ngay trong Chánh cương vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, đã chỉ rõ sự cần thiết phải “tổ chức ra quân đội công nông”, làm công cụ bạo lực cách mạng để “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”. Vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện của nước ta; kế thừa, phát triển các giá trị truyền thống quân sự của dân tộc và tinh hoa quân sự nhân loại, Người chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang gồm 3 thứ quân: Vệ quốc quân (bộ đội chủ lực), bộ đội địa phương và dân quân du kích. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt việc vũ trang toàn dân, dựa chắc vào nhân dân để xây dựng quân đội cách mạng.
Trong Chỉ thị về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, Người nêu rõ: “Sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao-Bắc-Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”. Với quan điểm “chính trị trọng hơn quân sự... nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng”, trong quá trình tổ chức, lãnh đạo, Người luôn đặt lên hàng đầu việc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, không ngừng bổ sung, hoàn thiện phương thức, cơ chế lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội.
Khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, cùng với việc thực hiện sách lược ngoại giao đối phó với “thù trong, giặc ngoài”, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương tranh thủ thời gian hòa bình để xây dựng, củng cố lực lượng, thành lập “Quân đội của nước Việt Nam là một Quân đội quốc gia”. Người nhấn mạnh: “Chúng ta đang tổ chức quân đội quốc gia, chúng ta phải rút kinh nghiệm quý báu trong lịch sử kiến thiết quân đội của Liên Xô”. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Người, trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng được chăm lo, xây dựng, phát triển, trở thành mô hình tổ chức quân sự độc đáo, sáng tạo của Đảng, phù hợp với cách đánh và nghệ thuật quân sự Việt Nam; vừa chiến đấu, vừa tự lực, tự cường xây dựng, phát triển lực lượng, hoàn thành xuất sắc chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân đội ta được xây dựng, phát triển về mọi mặt. Theo sự chỉ đạo của Người, mỗi một chiến sĩ, mỗi một cán bộ Vệ quốc quân, bộ đội địa phương và dân quân du kích phải luôn phát huy tinh thần anh dũng, thấm nhuần tư tưởng “kháng chiến nhất định thắng lợi nhưng phải trường kỳ và gian khổ”. Do đó, quân đội trong giai đoạn này không chỉ biết đánh trận, mà còn ra sức học tập về chính trị, kinh tế, tuyên truyền, giáo dục nhân dân. Nhờ đó, quân đội có sự trưởng thành vượt bậc không chỉ bộ đội chủ lực mà từ năm 1949, phát triển thêm bộ đội địa phương; quy mô tổ chức đến cấp đại đoàn, trang bị ngày càng hiện đại, tác chiến hiệp đồng binh chủng, góp phần cùng toàn dân lập nhiều chiến công vang dội, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đến những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lường trước những khó khăn, gian khổ khi dân tộc ta phải đối đầu với một đế quốc hùng mạnh, được trang bị vũ khí hiện đại. Vì vậy, Người chỉ thị thành lập, phát triển các quân chủng, binh chủng, đảm bảo cho quân đội ta có đủ các thành phần của quân đội hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, có thể đánh địch cả trên bộ, trên không, trên biển. Với sự đồng bộ này cùng với thế trận chiến tranh nhân dân, quân đội ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ, làm thay đổi cục diện chiến trường, tạo thế và lực hơn hẳn đối phương, tiến hành trận quyết chiến chiến lược, giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.
Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mang đậm dấu ấn tư tưởng, nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh, tư duy chiến lược quân sự của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, nổi bật là nghệ thuật xây dựng quân đội đa dạng, nhiều binh chủng, tác chiến đồng bộ kết hợp chặt với thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, giữa tiến công quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao, đánh thắng từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch. Tư duy quân sự thiên tài đó bắt nguồn từ truyền thống anh hùng, bất khuất, từ kinh nghiệm đúc kết qua hàng nghìn năm dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam và sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin. Sau khi đất nước thống nhất, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tiến hành các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Một lần nữa, thế trận chiến tranh nhân dân và vai trò của bộ đội chủ lực lại được phát huy, chiến đấu và giành chiến thắng, giữ vững độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội nhân dân là tài sản tinh thần vô cùng quý báu của Đảng, Nhà nước, quân và nhân dân ta, mãi mãi soi đường dẫn lối cho sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện lời dạy của Người, cán bộ, chiến sĩ toàn quân tiếp tục đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, không ngừng phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp, xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Minh Vy