Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động báo chí hiện nay

Thứ bảy - 04/06/2022 08:16
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân. Với quan điểm, làm báo chí là làm cách mạng, Người đã để lại di sản báo chí quý báu với những giá trị to lớn về nội dung, tư tưởng, góp phần dẫn dắt nền báo chí cách mạng nói chung, người làm báo nói riêng phát triển và trưởng thành.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 9/1962. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 9/1962. Ảnh: TL
Theo Bác, hoạt động báo chí thực chất là hoạt động chính trị và báo chí chính là công cụ, là phương tiện để thực hiện nhiệm vụ cách mạng. Vì vậy, báo chí phải mang tính chiến đấu, tính định hướng và tính quần chúng nhằm tuyên truyền cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Tùy vào từng giai đoạn cách mạng, mà báo chí có nhiệm vụ và mục đích khác nhau. Nhưng tựu chung lại, dù viết về đề tài nào, bằng hình thức, thể loại nào, báo chí cách mạng phải là vũ khí sắc bén vạch tội, tấn công kẻ thù, bài trừ cái xấu, cái ác, tuyên truyền, phổ biến điều hay, tốt đẹp, tạo khí thế cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Để truyền tải những điều đó, Người đã đề ra nguyên tắc viết báo rất đơn giản, chỉ gói gọn trong 5 câu: Viết cho ai? Viết để làm gì? Thế thì viết cái gì? Cách viết thế nào? Viết rồi phải thế nào? Từ nguyên tắc này và quan điểm xem báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén nên trong những bài báo, Người đều lựa chọn hết sức kỹ lưỡng nội dung bài viết cái gì, viết như thế nào để có thể tác động lên người nghe, người đọc, làm họ thay đổi nhận thức, ý nghĩ, tình cảm và hành vi, hướng họ vào hành động theo nhận thức mới.
Chẳng hạn, khi viết về kẻ địch, Người thường dùng lối văn châm biếm ý nhị vừa có tính chất báo chí, vừa có tính chất nghệ thuật văn chương; viết cho quần chúng nhân dân, Người dùng lời văn nôm na, vận dụng nhiều thành ngữ, tục ngữ của dân tộc, diễn đạt theo cách nói, cách nghĩ, để nhân dân dễ hiểu, dễ tiếp thu. Mỗi bài báo của Người đều phù hợp một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn giữa ngôn từ, cách diễn đạt với trình độ nhận thức, sự hiểu biết và cách suy nghĩ của từng đối tượng và bắt nguồn từ thực tế cuộc sống với những con số, những sự kiện đã được xem xét, kiểm tra, chọn lọc với lượng thông tin cao và chính xác. Do đó, tư tưởng của Người, dù là những vấn đề của cuộc sống chiến đấu, lao động hằng ngày hay những vấn đề lớn của đất nước, của thời đại đều được truyền đạt một cách thấm thía, sâu sắc, dễ hiểu, dễ nhớ, có sức thuyết phục mạnh mẽ.
Thực hiện lời dạy của Người, 97 năm qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ cách mạng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đội ngũ người làm báo ngày càng được nâng lên về số lượng cũng như chất lượng với hàng trăm cơ quan báo chí, đa dạng về ấn phẩm, nội dung thông tin ngày càng hấp dẫn, sinh động, phong phú, phản ánh đầy đủ, kịp thời và toàn diện những vấn đề trong và ngoài nước. Đồng thời, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tuyên truyền, nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, đấu tranh, phê phán những cái sai, cái xấu, nhân tố tiêu cực góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Từ thực tiễn cho thấy, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chức năng, nhiệm vụ, tính chất của báo chí cách mạng; về vai trò, nghĩa vụ, đạo đức của người làm báo; về nghệ thuật trong “cách viết” để làm nên một tác phẩm báo chí và tờ báo đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Dù khoa học, công nghệ nhất là công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão với nhiều phương thức truyền tải thông tin một cách nhanh chóng đến hầu hết người dân trên thế giới, thì quan điểm này vẫn là cái cốt lõi của người làm báo. Nội dung thông tin vẫn là cái giữ chân người đọc, tác động đến nhận thức của họ, giúp họ thay đổi hành vi.
Tuy nhiên, tình hình hiện nay cho thấy, việc cạnh tranh thông tin giữa các loại hình báo chí, giữa báo chí truyền thống với mạng xã hội đang diễn ra khốc liệt, với sự tham gia của khoa học công nghệ. Điều này dẫn đến nhiều nhà báo chỉ chăm chú thông tin sao cho nhanh nhất, trước nhất mà quên mất đi nội dung thông tin mới là cái cốt lõi, cái quyết định. Từ đó, đã xuất hiện nhiều nội dung bài báo có thông tin cẩu thả, chưa qua kiểm chứng, xác minh, hoặc thông tin mang tính giật gân, gây sốc để tăng lượng tương tác…, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội. Vì vậy, báo chí cách mạng cần tiếp tục vận dụng và thực hiện tốt những lời dạy của Bác trong hoạt động báo chí, xem mục đích và nội dung thông tin là cái cốt lõi, mang tính quyết định. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò đi đầu, xung kích trong cuộc đấu tranh tư tưởng, cung cấp thông tin nhanh, kịp thời nhưng phải chính xác, có độ tin cậy cao, chứ không phải thông tin thụ động, ngồi chờ hoặc đi theo sau hay chủ quan duy ý chí trong định hướng thông tin, làm chậm cơ hội chiếm lĩnh trận địa thông tin.
Vận dụng tư tưởng, phong cách báo chí Hồ Chí Minh vào thực tiễn báo chí cách mạng hiện nay, có thể thấy, những lời dạy của Người tiếp tục là “kim chỉ nam” dẫn đường cho báo chí cách mạng và những người làm báo tiếp tục đóng góp có hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Minh Vy
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây