Đồng chí Hoàng Đình Giong - người chỉ huy xuất sắc chống thực dân Pháp xâm lược

Thứ ba - 04/06/2024 20:19
Đồng chí Hoàng Đình Giong hy sinh ở tuổi 43, nhưng đã có hơn 20 năm liên tục hoạt động, cống hiến cho Đảng và cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi và sự hy sinh oanh liệt của đồng chí mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập và noi theo.
Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong, tại phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: ST
Khu lưu niệm đồng chí Hoàng Đình Giong, tại phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: ST
 
Hoàng Đình Giong là người dân tộc Tày (bí danh Võ Văn Đức, Vũ Đức, Cụ Vũ...), sinh ngày 01/6/1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng). Khi còn nhỏ, đồng chí là một học sinh thông minh, học giỏi, sớm có tinh thần yêu nước và ghét thực dân đế quốc. Đòng chí bí mật tuyên truyền tinh thần yêu nước trong học sinh các trường tiểu học ở thị xã Cao Bằng, huyện Hòa An và Hà Quảng. Cuối năm 1925 đến đầu năm 1926, đồng chí học ở Trường Bách Nghệ (Hà Nội) và tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh Hà Nội, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh và bị đuổi học, trở về Cao Bằng.
Năm 1927, đồng chí bí mật sang Long Châu, Trung Quốc để bắt liên lạc với tổ chức Hội và được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tháng 12/1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư chi bộ Hải ngoại (Long Châu, Trung Quốc). Tháng 3/1935, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Xứ uỷ Bắc Kỳ tham dự Đại hội lần thứ I của Đảng tại Ma Cao, Trung Quốc và được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (khoá I), phụ trách Xứ uỷ Bắc Kỳ. Năm 1936, đồng chí trở về nước, tổ chức chỉ đạo phong trào công nhân tại Hải Phòng, Quảng Ninh và bị thực dân Pháp bắt đầy đi biệt xứ tận đảo Ma-đa-gát-xca (Châu Phi). Năm 1944, đồng chí được trở về Tổ quốc và tích cực hoạt động cách mạng.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thực dân Pháp đã gây hấn ở Nam Bộ, thực hiện mưu đồ đặt ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, tỉnh Cao Bằng phân công đồng chí Hoàng Đình Giong chỉ huy Chi đội Nam tiến của tỉnh; ngày 30/9/1945, tại cơ quan Bộ tham mưu ở Hà Nội, đồng chí được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ Chính trị ủy viên bộ đội Nam tiến, với bí danh là Võ Văn Đức (tên Bác Hồ đặt) và phụ trách Chi đội Nam tiến Cao Bằng, Nam Định, Thái Bình. Đội quân Nam tiến đã trở thành bộ phận nòng cốt của lực lượng vũ trang và phong trào kháng chiến Nam Bộ, đã phối hợp với quân, dân Sài Gòn - Gia Định chiến đấu anh dũng, ngăn chặn, làm chậm bước chân xâm lược của thực dân Pháp, tạo điều kiện cho cả nước có thời gian chuẩn bị vật chất, tinh thần bước vào cuộc kháng chiến lâu dài.
Tháng 11/1945, tại hội nghị An Phú Xá (Gia Định), đồng chí Võ Văn Đức (lúc này đã được đổi tên thành Vũ Đức) được cử làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính uỷ) Quân giải phóng Nam Bộ. Ngày 10/12/1945, Xứ uỷ Nam Bộ triệu tập hội nghị mở rộng, đồng chí được Trung ương cử làm Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu IX. Khu Bộ trưởng Vũ Đức đã cùng đơn vị tiếp tục “Nam tiến” tới tận Cà Mau. Tại Chiến khu IX, đồng chí cùng với Liên Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Chiến khu đề ra những chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình địch - ta trên chiến trường, chỉ huy các mặt trận chiến đấu, tiêu diệt địch. Đồng chí đã thể hiện được vai trò của một Khu Bộ trưởng trong việc xây dựng, phát triển lực lượng, thống nhất lực lượng vũ trang Nam Bộ; xây dựng căn cứ địa U Minh; giải quyết vấn đề đại đoàn kết dân tộc, nhất là với đồng bào Khơ-me, đoàn kết tôn giáo; phối hợp xây dựng lực lượng ở các nước Đông Nam Á (Campuchia, Lào, Thái Lan) chiến đấu chống thực dân Pháp. Những thành tích xuất sắc của Tư lệnh Vũ Đức trong những ngày đầu năm 1946 đã góp phần củng cố và tổ chức lại bộ đội, giải quyết đúng đắn chính sách dân tộc, xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, gắn kết lực lượng cách mạng với các dân tộc, tạo thành một thế trận toàn dân, cùng nhau chống thực dân Pháp xâm lược.
Cuối tháng 11/1946, Khu Bộ trưởng Vũ Đức lên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Khi đến tỉnh Ninh Thuận, đồng chí được Trung ương phân công ở lại làm Khu Bộ trưởng Khu VI. Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn trong việc chỉ đạo xây dựng củng cố Trung đoàn 81 (Ninh Thuận), Trung đoàn 82 (Bình Thuận), xây dựng lực lượng theo đường lối kháng chiến kiến quốc của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác tổ chức và huấn luyện, nâng cao sức chiến đấu của lực lượng vũ trang; xây dựng căn cứ và chiến tranh du kích, củng cố khối đoàn kết giữa đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Chăm mà địch đang lợi dụng, dụ dỗ, gây chia rẽ dân tộc, tạo tiền đề cho bước phát triển mới của phong trào kháng chiến ở Nam Trung Bộ. Năm 1947, trong một trận chiến đấu ác liệt tại Chiến khu 7 (Ninh Thuận), đồng chí Hoàng Đình Giong chiến đấu và anh dũng hy sinh.
Học tập và noi theo đồng chí Hoàng Đình Giong chúng ta không ngừng nỗ lực, phấn đấu, tập trung xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc,… góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thái Văn Khởi
Trưởng phòng Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây