Hiệp định Giơnevơ 1954 - Mốc son của nền ngoại giao Việt Nam

Thứ ba - 09/07/2024 08:40
Hiệp định Giơnevơ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài, anh dũng của Nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, giải phóng miền Bắc, xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vững mạnh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đại diện Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tạ Quang Bửu ký Hiệp định về việc đình chỉ chiến sự ở Đông Dương tại Cung quốc gia, Giơ-ne-vơ, tháng 7/1954. Ảnh TL
Đại diện Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Tạ Quang Bửu ký Hiệp định về việc đình chỉ chiến sự ở Đông Dương tại Cung quốc gia, Giơ-ne-vơ, tháng 7/1954. Ảnh TL
 
Đầu những năm 1950, trong xu thế hòa hoãn, các nước lớn bắt đầu thỏa hiệp, muốn giải quyết các xung đột và chiến tranh bằng thương lượng hòa bình. Cùng với đó, nhân dân Việt Nam mở đợt tấn công cuối cùng vào Điện Biên Phủ và giành thắng lợi ngày 07/5/1954. Một ngày sau, ngày 08/5/1954, Hội nghị Giơnevơ bắt đầu thảo luận về vấn đề Đông Dương.
Trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp, trong đó có các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn, cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Hiệp định Giơnevơ đã được ký kết.
Về thỏa thuận chung cho ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia:
- Công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân ba nước Đông Dương: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước.
- Đình chỉ chiến sự trên toàn cõi Đông Dương.
- Pháp rút quân khỏi lãnh thổ ba nước. Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Lào và Campuchia.
- Không có căn cứ nước ngoài và không liên minh quân sự với nước ngoài.
- Tổng tuyển cử ở mỗi nước.
- Không trả thù những người hợp tác với đối phương.
- Trao trả tù binh và người bị giam giữ.
- Thành lập Ủy ban liên hợp, Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế.
Đối với riêng Việt Nam:
- Những điều khoản về đình chỉ chiến sự và lập lại hòa bình: ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được hai bên thực hiện trong thời hạn 300 ngày; chuyển  giao khu vực, trao trả tù binh và thường dân bị giam giữ, đổi vùng, vấn đề mồ mả quân nhân hai bên tham chiến.
- Những điều khoản về duy trì và củng cố hòa bình ở Việt Nam: Lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự (sông Bến Hải); không coi vĩ tuyến 17 là ranh giới chính trị hay lãnh thổ; cấm tăng viện nhân viên quân sự, bộ đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh khác vào Việt Nam; cấm xây dựng căn cứ quân sự mới; cấm hai miền không được gia nhập liên minh quân sự nào; cấm sử dụng mỗi miền để phục vụ cho bất kỳ chính sách quân sự nào.
- Những điều khoản chính trị: Vấn đề tổng tuyển cử để thống nhất đất nước; Hiệp thương hai miền vào tháng 7/1955, tổng tuyển cử vào tháng 7/1956; tự do chọn vùng sinh sống; trong khi chờ đợi không khủng bố, trả thù hay phân biệt đối xử với những người đã hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh.
- Những điều khoản quy định việc tổ chức thi hành Hiệp định: Ủy ban kiểm soát liên hợp, Ủy ban giám sát quốc tế trung lập.
Hiệp định Giơnevơ là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng. Lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Pháp và các nước tham gia hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam, Lào và Campuchia. Pháp buộc phải đình chỉ chiến sự và rút hoàn toàn quân đội khỏi lãnh thổ 3 nước Đông Dương. Gần 20 năm sau, Hiệp định Paris năm 1973 đã khẳng định lại những cơ sở pháp lý quan trọng này: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”.
Hiệp định Giơnevơ cùng với Hiệp định Sơ bộ ngày 06/3/1946 và Hiệp định Paris năm 1973 đã trở thành 03 văn kiện ngoại giao quan trọng nhất trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta. Hiệp định Giơnevơ đã thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào một hội nghị đa phương trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng, nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng tại hội nghị.
70 năm trôi qua, từ ngày ký Hiệp định Giơnevơ, đặc biệt từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên gấp nhiều lần; đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được triển khai hiệu quả. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước có quan hệ đặc biệt, 7 nước đối tác chiến lược toàn diện, 11 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện. Sức mạnh tổng hợp, cơ đồ,vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao, được bạn bè quốc tế tín nhiệm đề cử gánh vác nhiều trọng trách quốc tế quan trọng. Tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 32, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như ngày nay”.
Thái Văn Khởi
Trưởng phòng Tuyên truyền, Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây