Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam

Thứ ba - 07/05/2024 20:29
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là chiến sĩ trên mặt trận giải phóng con người ra khỏi đọa đày, áp bức, bất công mà còn là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa. Người đã dùng ngòi bút của mình làm vũ khí sắc bén để đấu tranh giải phóng con người thoát khỏi nền văn hoá nô dịch; đem ánh sáng của văn hóa đến với các tầng lớp nhân dân, để họ góp sức vào sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở Khu Văn công Mai Dịch, Hà Nội, năm 1961. Ảnh: TL
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật Sân khấu Trung ương ở Khu Văn công Mai Dịch, Hà Nội, năm 1961. Ảnh: TL
 
Thấm nhuần triết lý “dùng văn hoá đánh giặc” của cha ông ta trong lịch sử và khẳng định rằng “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng văn hóa để khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết cộng đồng, cổ vũ tinh thần đấu tranh của mỗi người dân Việt Nam; đồng thời, đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn và lãnh đạo các tầng lớp nhân dân kiên trì đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ngay từ những ngày đầu, với tên gọi Nguyễn Ái Quốc, Người đã dùng ngòi bút sắc bén để vạch trần tội ác, sự xảo trá của thực dân Pháp tại Việt Nam nói riêng và chế độ thực dân nói chung qua các tác phẩm, như: Bản án chế độ thực dân Pháp, các bài viết đăng trên Thư tín quốc tế, Đời sống công nhân, Nhân đạo, Người cùng khổ... Để khơi dậy tinh thần đấu tranh và niềm tin của nhân dân, Người đã vạch ra đường lối, chủ trương, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của cách mạng là giải phóng con người ra khỏi áp bức, bất công, được thể hiện qua các tác phẩm, như: Đường Kách mệnh, Ba mươi bài ca Việt Minh, Lịch sử nước ta, Nhật ký trong tù, Tuyên ngôn độc lập, Sửa đổi lối làm việc, Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Di chúc…
Các tác phẩm của Người đều có sự giao lưu, tiếp biến giữa văn hóa phương Đông và phương Tây; giữa những sáng tạo văn hoá và những hoạt động văn hoá; gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của nhân dân, phản ánh sinh động hiện thực cuộc sống. Đi cùng với đó là lối sống chuẩn mực, phong cách ứng xử đạt đến tầm nghệ thuật của Người đã trở thành tư tưởng, một quan niệm nhân sinh, chủ nghĩa nhân văn cao cả. Người khẳng định văn hóa là động lực, là mục tiêu của sự nghiệp cách mạng; văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi, đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ... Nếu kinh tế nâng cao đời sống vật chất, thì văn hóa có tác dụng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Qua đó cho thấy, Người không chỉ dùng văn hóa để giải phóng con người ra khỏi áp bức, bóc lột, mà còn dùng văn hóa để đẩy lùi văn hóa nô dịch, trả lại vị trí xứng đáng cho văn hóa Việt Nam và mở ra một thời đại mới cho văn hóa Việt Nam.
Cái cốt lõi trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người và niềm tin đối với con người hết sức bao la, sâu sắc, tất cả vì con người, tất cả do con người. Người quan niệm: “Ở đời và làm người là phải thương nước thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”. Suốt đời Người đã hy sinh, chiến đấu chống áp bức, bất công, đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân, cho dân tộc, cho nhân loại.
Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc, mà còn là một nhà hoạt động thực tiễn đầy tài năng; không chỉ là một nhà chính trị vĩ đại, mà còn là một nhà văn hóa kiệt xuất. Sự nghiệp văn hóa lớn nhất, quan trọng nhất của Người là đã tìm con đường cứu nước đúng đắn và lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân. Sự nghiệp giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đem lại địa vị xứng đáng cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Không chỉ vậy, sự nghiệp này còn có ý nghĩa to lớn đối với nền văn hóa thế giới, đã chỉ ra cho nhân dân các nước thuộc địa con đường đứng lên đập tan xiềng xích nô lệ, giành độc lập, tự do cho đất nước mình, góp phần xóa bỏ chế độ thuộc địa trên thế giới.
Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại tiến bộ trên thế giới, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết 24C/1865 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990) tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Nguyễn Oanh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây