Ý nghĩa của Đại thắng mùa Xuân năm 1975

Thứ bảy - 06/04/2024 20:10
11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, xe tăng của Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc ta, thống nhất hai miền Nam - Bắc, đưa non sông về một mối. Đây là chiến thắng có ý nghĩa vô cùng quan trọng, một mốc son lịch sử dân tộc ta. Chiến thắng này đã mở ra một thời kỳ mới, thời kỳ độc lập, thống nhất và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, ngày 30/4/1975. Ảnh: TL
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, ngày 30/4/1975. Ảnh: TL
 
Dù đã ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, nhưng với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, Mỹ tiếp tục viện trợ kinh tế, quân sự, chỉ đạo chính quyền Sài Gòn phá hoại Hiệp định, mở hàng ngàn cuộc hành quân “bình định, lấn chiếm” nhằm tiêu diệt lực lượng cách mạng miền Nam. Trước tình hình trên, tháng 7/1973, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 nhấn mạnh: Bất kể trong tình huống nào, con đường giành thắng lợi của cách mạng cũng là sử dụng bạo lực cách mạng, do đó phải nắm vững chiến lược tiến công, kiên quyết đẩy mạnh đấu tranh trên ba mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao để giành toàn thắng.
Thực hiện nghị quyết của Đảng đề ra, quân dân ta trên chiến trường đã mở những cuộc tiến công trực tiếp giáng trả mọi hành động của địch; bảo vệ, mở rộng vùng giải phóng, tạo ra thế và lực mới cho kháng chiến. Đặc biệt, ta giành thắng lợi lớn trong chiến dịch Đường 14 - Phước Long (từ ngày 13/12/1974 đến 6/1/1975) loại khỏi vòng chiến đấu trên 4.000 địch, giải phóng toàn tỉnh Phước Long (Đông Nam Bộ) với trên 50.000 dân. Chiến thắng tạo thêm cơ sở cho cơ quan chỉ đạo chiến lược cách mạng hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam. Từ tháng 4/1975, các tuyến phòng ngự của địch bị phá vỡ, địch co về phòng ngự trực tiếp thành phố Sài Gòn với ba tuyến phòng ngự: vòng ngoài (bán kính 25 - 30 km), vòng ven và nội đô. Giữa tháng 4, ta quyết định mở “Chiến dịch Hồ Chí Minh” nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam trước mùa mưa.
Từ 26 đến 28/4, ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn. Ngày 29/4, quân ta tổng tiến công. Các binh đoàn bộ đội hợp thành tiến công trong hành tiến, tiêu diệt các cánh quân địch ngăn chặn và phản kích, nhằm thẳng các mục tiêu đã được phân công. 11h30 ngày 30/4, đoàn xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ngày 1/5, toàn bộ lực lượng còn lại của quân ngụy tan rã, ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc “Chiến dịch Hồ Chí Minh” lịch sử.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Chiến thắng này đã đập tan hơn 1 triệu quân ngụy, lật đổ hoàn toàn chế độ ngụy quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam, giải phóng nhân dân miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và tay sai. Đồng thời, đánh dấu kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ; kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; lật đổ chế độ đế quốc và tay sai, mở đường cho sự hoàn thành trọn vẹn sự nghiệp cách mạng dân chủ nhân dân, xóa bỏ giai cấp phong kiến và tư sản ở miền Nam, đưa đất nước ta tiến vào kỷ nguyên mới.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cũng là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, hiển hách nhất của lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, cùng với trận Bạch Đằng (1288) chống quân Nguyên Mông, trận Chi Lăng (1427) chống quân Minh, trận Đống Đa (1789) chống quân Thanh, chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) chống quân Pháp; tô đậm truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 nói riêng và cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung không chỉ là thắng lợi riêng của dân tộc Việt Nam mà còn là thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, góp phần tăng cường sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào dân chủ tiến bộ trên thế giới tiếp tục phát triển.
Đại thắng ngày 30/4/1975 là trang sử hào hùng, một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Minh Vy

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây