Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác cán bộ, coi đây là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Người cho rằng một khi đã có đường lối cách mạng đúng, thì cán bộ là khâu quyết định. Bởi cán bộ là những người đem đường lối, chính sách của Đảng đến với nhân dân, giúp nhân dân hiểu rõ và thi hành, đồng thời đem những ý kiến, nguyện vọng của nhân dân báo cáo lại cho Đảng, để Đảng có đường lối, chính sách phù hợp. Đường lối của Đảng đúng hay sai, tổ chức thực hiện thành hay không đều phụ thuộc vào cán bộ. Vì vậy, việc lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ luôn là điều quan trọng hàng đầu của Đảng ta.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiêu chuẩn đầu tiên của người cán bộ là đạo đức cách mạng. Người cán bộ có đạo đức cách mạng là người luôn thực hiện đúng đường lối của Đảng, luôn đặt lợi ích của Đảng và nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích cá nhân. Phải hết sức hết lòng phục vụ nhân dân, luôn gương mẫu trong mọi công việc. Người khẳng định, làm cách mạng phải có đạo đức cách mạng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang. Người cán bộ có đạo đức cách mạng thì nói và làm luôn song hành, muốn để dân tin, yêu thì không thể “Nói một đằng, làm một nẻo”, nói mà không làm.
Bên cạnh đạo đức cách mạng, người cán bộ cũng phải cần có tài. Cán bộ chỉ có đức mà thiếu tài thì chẳng khác nào “những ông bụt ngồi ở trong chùa. “Tài” bao gồm cả năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn. Muốn có được những năng lực đó, người cán bộ phải chịu khó học tập, rèn luyện, trước hết là học tập lý luận Mác - Lênin, sau đó là học trong thực tiễn. Bởi vì theo Người, lý luận luôn được bổ sung bằng những kết luận mới rút ra từ trong thực tiễn sinh động. Có đức, có tài vẫn chưa đủ. Người cán bộ còn phải có tác phong công tác khoa học, phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu; chống bệnh ham chuộng hình thức, không bám sát thực tiễn, không lấy kết quả chăm lo đời sống nhân dân làm thước đo.
Theo Người, để có được đội ngũ cán bộ chất lượng, thì người đứng đầu phải hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ. Hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ mới bố trí và sử dụng đúng cán bộ, mới phát hiện đúng ai tốt, ai xấu, ai là người có tài, ai là kẻ bất tài; mới kích thích mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực trong con người cán bộ. Dùng cán bộ phải đặt người đúng việc, vì việc mà đặt người, chức không phải vì người mà đặt việc. Đồng thời, phải có gan cất nhắc cán bộ. Có gan tức là phải mạnh dạn. Người nói như thế vì nhiều trường hợp, chúng ta quá rụt rè, quá khắt khe trong việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ. Có gan không có nghĩa là làm vội, làm ẩu, làm liều. Người thường nói: “Trước khi cất nhắc cán bộ, phải nhận xét rõ ràng. Chẳng những xem xét công tác của họ mà còn phải xem xét sinh hoạt của họ. Chẳng những xem xét cách viết, cách nói của họ mà còn phải xem xét việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Chẳng những xem xét họ đối với ta thế nào mà còn phải xem xét họ đối với người khác như thế nào. Ta nhận họ tốt, còn phải xét số đông đồng chí có nhận họ tốt hay không”… Đối với cán bộ, chẳng những phải xem xét rõ ràng trước khi đề bạt, bổ nhiệm mà sau khi đề bạt, bổ nhiệm còn phải tiếp tục bồi dưỡng, giúp đỡ họ để họ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Học tập và làm theo Bác, trong những năm qua, Đảng ta luôn xem công tác cán bộ là nhiệm vụ hàng đầu, là khâu “then chốt trong then chốt”. Vì vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ cán bộ các cấp được quan tâm, chú trọng và đầu tư tương xứng; công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được chú trọng đổi mới, gắn với nhu cầu thực tiễn...
Bên cạnh kết quả tích cực, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, giảm sút ý chí, phai nhạt lí tưởng, dao động, mơ hồ về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Một bộ phận làm việc cầm chừng, tham nhũng, hối lộ, đặc quyền, đặc lợi, cục bộ địa phương, cơ hội, chỉ coi trọng giá trị vật chất mà coi nhẹ giá trị tinh thần, nặng về lợi ích thực dụng trước mắt, xem nhẹ lợi ích cơ bản lâu dài. Công tác cán bộ vẫn còn những hạn chế, bất cập: công tác tham mưu còn nhiều kẽ hở, tuyển chọn cán bộ có nhiều trường hợp chưa thật đúng, chưa sát đối tượng. Việc bố trí, sử dụng, đề bạt cán bộ thực hiện đúng quy trình nhưng sai đối tượng; khâu đánh giá cán bộ còn nhiều hạn chế; công tác xử lý sai phạm, kỷ luật cán bộ còn “chưa đến nơi”, có trường hợp cán bộ mắc khuyết điểm ở nơi này, lại được điều chuyển sang nơi khác giữ cương vị cao hơn.
Vì vậy, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Đảng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng và những chỉ dạy của Người vào việc đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ “đủ tâm, đủ tầm” đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn hiện nay.
Nguyễn Oanh