Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn hóa

Thứ ba - 07/03/2023 14:22
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng, phát triển văn hóa, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Kế thừa và phát huy tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, giữ vai trò quan trọng vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bác Hồ với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ảnh: TL
Bác Hồ với các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Ảnh: TL
Xác định vị trí và vai trò rất quan trọng của văn hóa trong xây dựng và phát triển con người, nên trong rất nhiều bài nói và bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến việc phải giữ gìn và phát huy những truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Người cho rằng, văn hóa nói chung, chủ nghĩa Mác-Lênin nói riêng đóng vai trò quan trọng tạo bước nhảy vọt triệt để trong tư duy, hành động của con người và của các dân tộc bị áp bức, bị tha hóa thành con người phát triển tự do và toàn diện. Vì vậy, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Người đã chỉ đạo, xây dựng và phát triển kinh tế, phải gắn liền với xây dựng và phát triển văn hóa.
Trong diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (năm 1946), Người đưa ra luận điểm: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” và chỉ rõ: Nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, phải tiếp thu những kinh nghiệm của văn hóa xưa và nay để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: dân tộc, khoa học, đại chúng. Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ.
Đồng thời khẳng định: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa”. Để xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, cần phải coi trọng xây dựng nền văn hóa mới, xem văn hóa và đạo đức là nền tảng của đời sống xã hội mới; làm cho văn hóa thấm sâu trong tâm lý quốc dân, sửa đổi được những thói hư, tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do; làm cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình. Văn hóa với tư cách là sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của một dân tộc, đóng vai trò to lớn thúc đẩy sự phát triển của cả dân tộc nói chung và của nền kinh tế nói riêng.
Vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển văn hóa, Đảng ta xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, là tầm cao chiều sâu về trình độ phát triển của dân tộc, kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất trong quan hệ giữa người với người, người với xã hội, với thiên nhiên. Văn hóa là động lực, mục tiêu của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa như: Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; tại Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng, phát triển văn hóa nói riêng trong xây dựng và phát triển bền vững đất nước nói chung, với những nội dung cụ thể về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong đó, Đảng ta tiếp tục xem việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc là bảo tồn, giữ gìn thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Cùng với đó, tiếp tục hoạt động giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nền văn minh thế giới để không ngừng phát triển, hoàn thiện mình. Xem văn hóa là nguồn lực để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, khơi dậy niềm đam mê và động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Dù thời gian đã lùi xa, nhưng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa vẫn còn nguyên giá trị. Văn hóa luôn là nền tảng tinh thần của xã hội, mục tiêu, động phát triển kinh tế - xã hội. Phát huy vai trò của văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, góp phần thúc đẩy phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong tiến trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Nguyễn Oanh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây