Kiên Giang là tỉnh tận cùng phía Tây Nam của Tổ quốc, có một vị trí địa lý khá đặc biệt, có biển đảo, núi rừng, đồng bằng, biên giới với nước bạn trên bộ và trên biển. Từ vị trí địa lý như vậy, nên vùng đất Rạch Giá - Hà Tiên xưa sớm được hình thành và giao thương với nhiều nơi và cũng chính vì thế, mà hình thành nên nhiều làng nghề, nghề truyền thống từ rất sớm và tồn tại, phát triển qua bao đời.
Theo quy định, làng nghề được công nhận phải đạt 3 tiêu chí: (1) Có tối thiểu 30% tổng số hộ trên địa bàn tham gia các hoạt động nghề nghiệp nông thôn; (2) Hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định tối thiểu 2 năm tính đến thời điểm đề nghị công nhận; (3) Chấp hành tốt chính sách, pháp luật nhà nước. Vì vậy, ở Kiên Giang đến nay mới được công nhận 4 làng nghề và 35 nghề truyền thống.
Bốn làng nghề là: Làng nghề chế biến nước mắm Phú Quốc; Làng nghề đan lục bình tại xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc; Làng nghề đan cỏ bàng tại xã Phú Mỹ và xã Phú Lợi, huyện Giang Thành; Làng nghề đan ghế bằng dây nhựa tại ấp Ruộng Sạ 1, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận.
Trong đó, làng nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc có lâu đời nhất. Dẫu trên đất nước Việt Nam này, nhiều nơi có sản xuất nước mắm, nhưng nước mắm Phú Quốc không thể lẫn lộn, bởi cách làm, màu sắc và hương vị đậm đà không đâu sánh được.
Nghề sản xuất nước mắm ở Phú Quốc có cách đây trên 200 năm, phát triển mạnh nhất là thời kỳ 1945 - 1954, được bán sang các nước láng giềng như Campuchia, Thá Lan, sau đó là các nước ở châu Âu như Pháp, Đức... Năm 1998, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội, Bộ Thủy sản cùng với tỉnh Kiên Giang tiến hành lập hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý, đến ngày 1/6/2001, nước mắm Phú Quốc lần đầu tiên đăng bạ ở Việt Nam. Ngày 19/8/2013, Bộ Công Thương cùng với phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức trao chứng nhận tên gọi xuất xứ được bảo hộ tại các nước Liên minh châu Âu cho sản phẩm nước mắm Phú Quốc.
Hiện nay, làng nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc có 86 hội viên, chiếm tỷ lệ 96% trên tổng số nhà sản xuất nước mắm tại đất đảo này, với trên 7.500 thùng, mỗi năm sản xuất trên 30 triệu lít. Ngày 16/6/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh có quyết định công nhận nghề truyền thống và làng nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc. Làng nghề đan lục bình tại xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao được công nhận ngày 16/12/2013. Làng nghề đan cỏ bàng tại 2 xã Phú Mỹ và Phú Lợi, huyện Giang Thành được công nhận ngày 18/1/2019. Làng nghề đan ghế bằng dây nhựa tại ấp Ruộng Sạ 1, xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận được công nhận ngày 24/12/2019.
Đối với nghề truyền thống, tính đến nay có 35 nghề được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận như đan đác, nấu rượu, làm bánh phồng, bó chổi, làm bún, nắn nồi đất, làm bánh tráng, làm đường thốt nốt, chế biến tôm khô, chế biến nước mắm, chế biến khóm, dệt chiếu...
Hiện nay toàn tỉnh có trên 35 nghề chưa được công nhận và nghề mới. Trong số nghề mới có 2 nghề đáng chú ý là: Làm tranh bằng vỏ tràm của anh Lê Hoàng Nhân ở xã Đông Hưng B, huyện An Minh và làm tranh bằng hạt gạo rang của em Nguyễn Thị Tuyết Phượng ở thị trấn Minh Lương, huyện Châu Thành, đang gây sự chú ý của nhiều nơi; nhiều cơ quan mua làm quà tặng cho khách trong và ngoài tỉnh...
Các làng nghề, nghề truyền thống ở Kiên Giang đa số nằm rải rác và chủ yếu sản xuất các sản phẩm nhẹ, ít độc hại và ít gây ô nhiễm môi trường, gắn với khai thác có hiệu quả tài nguyên, thiên nhiên, giải quyết được nhiều việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn.
Vì vậy, việc bảo tồn các làng nghề, nghề truyền thống ở Kiên Giang thời gian tới cần được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhất là về vốn, sắp xếp, bố trí lại cho hợp lý, để không ảnh hưởng đến dân cư và ô nhiễm môi trường, gắn kết giữa phát triển làng nghề, nghề truyền thống với tham quan, du lịch, quảng bá hình ảnh quê hương và con người Kiên Giang thông qua các sản phẩm từ các làng nghề, nghề truyền thống ở địa phương./.
Minh Thi