Thoát nghèo nhờ mô hình trồng ổi sinh học

Thứ ba - 01/03/2022 18:49
Là hộ cận nghèo, diện tích đất canh tác nông nghiệp ít, trồng lúa đem lại thu nhập không cao, ông Kim Ly ngụ tại ấp Hòa Lễ, xã Thới Quản, huyện Gò Quao, đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình trồng ổi với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, gia đình ông đã vươn lên thoát nghèo và trở thành tấm gương cho nhiều nông dân trên địa bàn.
Ông Kim Ly thành công với mô hình trồng ổi sinh học.
Ông Kim Ly thành công với mô hình trồng ổi sinh học.

Với diện tích 2 công đất ruộng chủ yếu trồng lúa, đời sống gia đình ông Kim Ly thiếu trước hụt sau. Những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, xâm nhập mặn xảy ra, việc lúa trồng hiệu quả không cao. Vì vậy, ông đã mạnh dạn bỏ lúa để chuyển sang trồng cây ổi. Ông Ly chia sẻ: Trước đó gia đình tôi trồng lúa trên hai công đất, thu hoạch chỉ có khoảng 6,7 bao/một vụ. Sau đó, được chính quyền địa phương hướng dẫn trồng ổi lê, tôi bắt đầu mua giống về trồng thử. Nhận thấy cây ổi phù hợp với đất, trồng khoảng 8 tháng là thu hoạch, cứ thế cắt tỉa đọt cây ổi để cây cho trái quanh năm. Hơn nữa, tuổi tôi bây giờ cũng cao, thấy mô hình này cũng phù hợp với sức mình.

Thực hiện chuyển từ cây lúa sang cây ổi, ông Ly đã lên liếp vườn cho 2 công đất ruộng với số vốn 30 triệu đồng. Giống ổi mà ông chọn trồng là ổi lê Đài Loan, loại cây này có đặc tính dễ trồng, sinh trưởng tốt, ra trái quanh năm. Với hơn 200 gốc ổi, vụ thu hoạch đầu tiên trừ các khoản chi phí lãi, đã đem khoản thu nhập hơn 70 triệu đồng cho gia đình ông.

Theo ông Ly, cây ổi vốn rất quen thuộc, dễ trồng nhưng để cây sinh trưởng và phát triển tốt, người dân cần phải học hỏi thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm chăm sóc ổi đạt hiệu quả, nhất là tuân thủ các quy trình chăm sóc từ việc tưới tiêu, bón phân đến phòng trừ sâu bệnh. Để ổi ra trái ngon và an toàn cho người dùng, ông đã dùng các phương pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh cho cây ổi.Ông Ly cho biết: Giai đoạn trồng cây thì chỉ cần chăm sóc phân bón, nhưng đến khi giai đoạn để trái, ổi thường hay bị bọ xít, muỗi hoặc rệp sáp trắng đeo bám làm hư trái. Đối với các loài vật này, tôi thường dùng nước rửa chén để dưới thân và gốc cây ổi để trị chúng.

Nhờ không dùng hóa chất, chỉ áp dụng biện pháp sinh học, nên ổi nhà ông Ly luôn đạt chất lượng cao, sạch bệnh, trái ngọt, được nhiều người dân và thương lái trên địa bàn tin tưởng lựa chọn. Hiện tại, vườn ổi nhà ông vừa được ươm trồng lại với hơn 300 gốc và bắt đầu cho trái thu hoạch. Mỗi ngày gia đình ông đều đặn thu hoạch hơn 30kg, với giá xuất bán dao động từ  8.000 - 10.000đ/kg.

Trao đổi về vườn ổi sinh học của lão nông Kim Ly, ông Danh Thanh Lộc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thới Quản, cho biết: Hiện nay ở địa phương có một số vùng đất canh tác nông nghiệp kém hiệu quả, chính quyền luôn tạo điều kiện, khuyến khích người dân đầu tư trồng các loại cây ăn quả theo phương thức hữu cơ. Vườn ổi nhà ông Kim Ly, không chỉ hiệu quả về kinh tế giúp ông thoát nghèo, mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cho người trồng và tiêu dùng. Chúng tôi sẽ nhân rộng các mô hình này, phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền rộng rãi để lan tỏa cho bà con lựa chọn canh tác.

Với những thành công đạt được, ông Ly vẫn còn nhiều trăn trở về mô hình trồng ổi trên đất ruộng của gia đình. Do xung quanh người dân còn làm ruộng, đến thời điểm thủy triều dâng, ruộng xung quanh nước dâng cao, bờ bao vườn không đảm bảo dẫn đến tình trạng ngập lụt ảnh hưởng đến cây ổi. Hướng tới ông sẽ tích lũy nguồn vốn để đầu tư đê bao vững chắc cho mảnh vườn, đồng thời sẽ thực hiện trồng xen canh cây khóm và nuôi ốc bươu. Ở tuổi đã ngoài 70, lão nông Kim Ly không ngại khó, nỗ lực cần cù sản xuất, là tấm gương sáng về tinh thần lao động và có sức lan tỏa đến các hộ dân khác trong vùng, nhất là những bà con có ít đất sản xuất như gia đình ông.

Thúy Tài
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây