Mật ong rừng Thạnh Lộc tiến đến là sản phẩm OCOP

Thứ hai - 05/12/2022 19:23
Tận dụng diện tích rừng tràm trên 700 ha, nhiều người dân ở xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng triển khai nghề nuôi ong mật từ rất lâu. Mỗi năm, nơi đây cho thu hoạch hàng ngàn lít mật, giúp nhiều bà con thoát nghèo và trở nên khấm khá. Hiện nay, mật ong từ rừng tràm Thạnh Lộc đang được địa phương thực hiện các thủ tục đề nghị công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Người dân xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng thực hiện gác kèo ong.
Người dân xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng thực hiện gác kèo ong.
Theo ông Dương Văn Minh, ngụ ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng, người có hơn 20 ha đất rừng trồng tràm: 40 năm trước khi về đây lập nghiệp, đất nơi đây hoang hóa chỉ thích hợp trồng được loại cây tràm. Trong quá trình đó, ngoài nguồn thu nhập từ cây tràm, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân bắt đầu làm nghề gác kèo dẫn dụ ong về làm tổ để lấy mật. Nhờ có lợi thế rừng tràm, ong về đây sinh sôi phát triển. Đặc biệt, nhụy hoa tràm tự nhiên là thức ăn ưa thích của loài ong mật, nên sản phẩm gác kèo ong mật trong rừng tràm mang hương vị đặc trưng và giá trị kinh tế cao. Ông Minh chia sẻ: “Đối với nghề gác kèo ong chỉ cần chuẩn bị bộ kèo, gồm thân kèo trụ đỡ và cây nạng, tất cả có thể lấy từ thân cây tràm, hoàn toàn không tốn chi phí. Khoảng từ tháng 2 trở đi là thời điểm chuẩn bị vào mùa gác kèo ong. Thời gian gác kèo tốt nhất là lúc mặt trời mọc đến 9h sáng, lúc này sẽ xác định đúng hướng mặt trời mọc. Kinh nghiệm nhất là phải gác ở nơi có cây tràm thấp, nhiều bông và có những khoảng trống để ánh nắng mặt trời chiếu xuống thân kèo”.
Cũng theo ông Minh, thời gian ong làm tổ từ khoảng 20 – 30 ngày nhưng cũng có khi buổi sáng gác chiều đã có ong đóng vào. Thời điểm phù hợp để lấy mật ong là khi thấy tổ ong bít kín không còn lỗ nào thì có thể lấy mật. Đối với nghề này, khi lấy mật cần phải chọn thời gian ngày ít gió, còn sương và phải chú trọng các biện pháp phòng, chống cháy rừng. Các thao tác để lấy mật cần phải tiến hành nhanh gọn trong khoảng 2 – 3 phút. Đồng thời chừa lại 1/3 tàn để ong làm tổ mới. Mỗi tổ ong trung bình cho khoảng 3 – 5 lít mật. Vào mùa khô mật ong nhiều và chất lượng tốt hơn mùa mưa. Với diện tích rừng tràm 20 ha, nghề gác kèo ong mật mang lại nguồn thu nhập cho gia đình ông Minh trung bình mỗi năm từ 150 – 180 triệu đồng.
Ong ở rừng tràm Thạnh Lộc cho loại mật màu vàng trong vắt, với hương vị dịu dàng từ hoa tràm thiên nhiên và ngọt vị tinh khiết. Mặc dù đạt những chất lượng về độ mật thơm ngon, nhưng hiện nay nghề gác kèo ong ở đây chỉ thực hiện theo hộ gia đình, sản phẩm chưa được phổ biến rộng rãi, nên chưa được xây dựng thương hiệu đặc trưng cho địa phương. Chia sẻ về mong muốn mật ong rừng Thạnh Lộc được tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) , ông Minh bày tỏ: “ Ngoài những kinh nghiệm gác kèo ong lấy mật, thì chúng tôi đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng dẫn để có bao bì nhãn mác thực hiện đúng các quy định, để sản phẩm sớm được công nhận”.
Hướng đến việc hoàn tất các thủ tục để được công nhận mật ong rừng Thạnh Lộc là sản phẩm OCOP, đồng chí Nguyễn Thanh Ngói, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng cho biết: “Việc nuôi ong lấy mật đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế và nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên đối với địa phương, hiện nghề này vẫn theo mô hình tự phát, kỹ thuật nuôi dựa trên kinh nghiệm là chủ yếu. Để nâng cao thương hiệu sản phẩm và giá trị thu nhập, chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện sản phẩm, nhãn mác bao bì và nỗ lực cùng với các hộ dân hướng đến hoàn thiện về thủ tục, hồ sơ pháp lý trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Hiện tại Ủy ban nhân dân huyện và các đơn vị thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, đã khảo sát, đánh giá rất cao về sản phẩm mật ong rừng; khẳng định đây là sản phẩm sinh thái, chất lượng, sắp tới sẽ hoàn tất các thủ tục để đạt công nhận”.
Đồng chí Trần Ngọc Khải, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Giồng Riềng cho biết: “Thị trường tiêu dùng hiện đang hướng tới các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch tốt cho sức khỏe thì sản phẩm mật ong rừng Thạnh Lộc đã đạt được những tiêu chí đó. Sắp tới chúng tôi sẽ mở rộng địa bàn, mở rộng sản xuất và quy mô kinh doanh từ các chủ thể thực hiện sản phẩm mật ong rừng Thạnh Lộc. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá cho sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại, triễn lãm và trưng bày trong và ngoài tỉnh”.
Thúy Tài

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây