Tham quan 1,3 ha trồng sim rừng của ông Danh Hiệp ấp Rạch Hàm, xã Hàm Ninh, được biết vườn sim của ông hiện nay đã trồng hơn 3 năm. Theo ông Hiệp, trước kia núi Hàm Ninh là một trong những nơi sim rừng mọc nhiều nhất. Hơn 5 năm trở lại đây, sim rừng trên núi dần thưa thớt. Mặc khác, sản phẩm rượu sim rừng Phú Quốc được xem là món quà lưu niệm độc đáo của du khách khi đến nơi đây. Nắm bắt được nhu cầu thị trường và nguồn nguyên liệu để sản xuất rượu, ông bắt đầu trồng sim để thu trái. Thời điểm đầu do chưa am hiểu được đặc tính của sim rừng nên số lượng cây trồng hao hụt rất nhiều.
Ông Hiệp chia sẻ: Nếu chọn giống trồng là cây sim tơ thì trồng rất dễ và đạt nâng suất cao, ngược lại cây sim già rất khó chăm sóc và dễ chết. Quá trình trồng sim cũng cần chăm sóc và tưới nước thường xuyên để đảm bảo cho cây sinh trưởng và phát triển. Hơn nữa, do khí hậu thời tiết hiện nay thất thường nên sim rừng xuất hiện bệnh cháy lá và đốm trắng trên bông ảnh hưởng đến sản lượng trái thu hoạch.
Từng bước khắc phục khó khăn, nay vườn sim của ông Hiệp xanh tốt và cho trái thu hoạch được 2 vụ, ước tính hơn 1 tấn/mùa thu hoạch, với giá sim bán 100.000 đồng/kg. Cây sim bắt đầu trổ bông từ khoảng tháng 10 âm lịch năm trước đến khoảng tháng 3-5 âm lịch năm sau, trái sim sẽ chín và cho thu hoạch. Ông Hiệp cho biết, cây sim Phú Quốc có độ mật cao hơn các vùng khác. Nét đặc trưng này có được là do thời điểm thu hoạch sim vùng Phú Quốc là vào tháng mùa nắng hàm lượng mật sim ngọt thanh. Vì vậy sử dụng sim để ngâm chế biến rượu sẽ rất thơm ngon và đạt chất lượng.
Những năm qua, rượu sim là sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Quốc, nhờ thế nghề trồng sim và sản xuất rượu sim hiện nay đang phát triển. Năm 2020, xã Hàm Ninh thành lập Hợp tác xã Vườn sim sinh thái với 8 thành viên. Dịch vụ cơ bản của hợp tác xã trồng sim là mua bán và tham quan du lịch vườn sim, đảm bảo ký kết tiêu thụ trái sim cho các thành viên. Từ khi hoạt động đến nay Hợp tác xã Vườn sim sinh thái đã liên kết với các công ty đầu tư và phát triển du lịch trên địa bàn thành phố cung cấp dịch vụ cho các thành viên hợp tác xã từ đó tạo thêm nguồn thu nhập cho các thành viên.
Ông Huỳnh Văn Son, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hàm Ninh, cho biết: Trồng sim rừng vừa mang lợi ích kinh tế cho bà con, đồng thời tạo ra nguyên liệu phục vụ cho nghề chế biến rượu sim. Hiện xã Hàm Ninh đang có dự án bảo tồn cây sim rừng, khuyến khích người dân cải tạo đất cằn cỗi trồng sim. Qua đó, góp phần tăng độ che phủ cho đất núi, tạo cảnh quan sinh thái, mặc khác đóng góp vào sự phát triển du lịch của địa phương. Hướng tới, địa phương sẽ động viên các hộ dân tận dụng đất hoang hóa để trồng sim, đồng thời phát huy hiệu quả hoạt động Hợp tác xã Vườn sim sinh thái. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng các sản phẩm từ sim rừng để nâng giá trị kinh tế từ trái sim rừng cho người dân.
Thúy Tài