Mô hình nuôi lươn sinh sản được triển khai tại 3 điểm trình diễn thuộc xã Hòa An và xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng với 5 hộ dân tham gia. Ở mỗi điểm trình diễn, lươn sinh sản được nuôi trong bể ương có diện tích 30 m2, số lượng lươn bố mẹ là 300 con, kích cỡ từ 150 - 200 gram/con. Các hộ nuôi tham gia mô hình được Trung tâm Khuyến Nông Kiên Giang đầu tư hỗ trợ 50% kinh phí mua lươn bố mẹ và thức ăn công nghiệp 40 độ đạm, thuốc diệt khuẩn.
Bà Thạch Thị Sa Rel ở xã Hòa An, huyện Giồng Riềng là một trong những hộ tham gia mô hình nuôi lươn sinh sản cho biết: “Gia đình tôi nuôi lươn từ nguồn giống tự nhiên đã được 2 năm nay. Mặc dù mô hình đạt giá trị kinh tế mang lại đời sống khấm khá nhưng chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Trước đó dùng giống lươn đồng trong tự nhiên, nên tỷ lệ hao hụt nhiều, giá giống lại rất cao. Hiện tại, gia đình tôi rất phấn khởi khi được Trung tâm Khuyến Nông hỗ trợ cho giống nuôi và hướng dẫn các kỹ thuật cho lươn sinh sản”.
Cũng là hộ dân tham gia mô hình nuôi lươn sinh sản, ông Lê Ngọc Phát ngụ ấp Ngã Con, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng chia sẻ: “Tham gia vào mô hình trình diễn, nhờ được các cán bộ khuyến nông hướng dẫn trình tự quy trình lươn sinh sản, các kỹ thuật ấp trứng lươn, chăm sóc lươn, chúng tôi đã thực hiện đạt được kết quả khá cao. Vừa qua nghiệm thu mô hình, với giá bán 5.000đ/con lươn giống, bình quân mỗi hộ ở đây tham gia trung bình đạt lợi nhuận trên 31 triệu đồng. Riêng đối với gia đình tôi thực hiện đạt lợi nhuận là 48 triệu đồng”.
Qua 6 tháng thực hiện mô hình nuôi lươn sinh sản thí điểm tại huyện Giồng Riềng, các hộ tham gia thực hiện khá tốt các quy trình, kỹ thuật của ngành chuyên môn hướng dẫn, kết quả tỷ lệ lươn sinh sản đạt trung bình 75%, tỷ lệ trứng nở đạt 87%, tỷ lệ sống giai đoạn 1 đạt 67%, tổng lượng lươn giống thu được ở mỗi điểm trình diễn là 18.000 con.
Đánh giá chung về những kết quả mô hình trình diễn nuôi lươn sinh sản, Thạc sĩ Trần Thị Bé Gấm, Phòng Khuyến Ngư, Nuôi trồng thủy hải sản, Trung tâm Khuyến Nông tỉnh cho biết: “Bước đầu hiệu quả mô hình lươn sinh sản đạt kết quả tốt. Các chỉ tiêu kỹ thuật về số lượng lươn bố mẹ sinh sản, cũng như các số lượng trứng và con giống đều cao hơn kế hoạch đề ra. Bà con muốn thực hiện mô hình này thành công, trước hết phải lựa chọn lươn bố mẹ khỏe mạnh, kích cỡ phù hợp, lươn đạt được độ tuổi sinh sản. Sau khi lựa chọn được lươn bố mẹ, thì cần phải cải tạo môi trường sống cho lươn bố mẹ thích hợp để có thể thuận lợi sinh sản. Đồng thời khi lươn bố mẹ đẻ trứng thì mình thu trứng phải có hệ thống ấp nở trứng lươn, đến lươn nở thì phải có hệ thống khử trùng và cung cấp đầy đủ khí oxy, thức ăn đảm bảo chất dinh dưỡng để lươn phát triển mạnh. Ở quá trình cho lươn ăn có thể phối hợp cho lươn ăn thêm trùn chỉ bên cạnh thức ăn công nghiệp có độ đạm 45 cho lươn con”.
Những thành công bước đầu của mô hình nuôi lươn sinh sản ở xã Hòa An và xã Long Thạnh huyện Giồng Riềng đã mang lại những ý nghĩa thiết thực trong việc chủ động được nguồn giống cho các hộ nuôi lươn, giúp bà con nông dân lựa chọn được giống tốt, giảm tỷ lệ hao hụt cũng như giảm chi phí sản xuất. Từ đó, góp phần mở rộng được các mô hình nuôi lươn thương phẩm tại địa phương. Ngoài ra, mô hình này còn góp phần tạo việc làm ổn định phát triển sinh kế bền vững cho người dân trong vùng nước ngọt đa dạng giống cây trồng vật nuôi và các hộ dân ít đất canh tác.
Minh Anh