Phương pháp sử dụng thức ăn trong nuôi tôm

Thứ năm - 03/11/2022 10:24
Hiện nay, việc sử dụng thức ăn công nghiệp trong nuôi tôm đã trở nên phổ biến. Thức ăn là yếu tố quan trọng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đàn tôm, chất lượng tôm thu hoạch mà còn liên quan đến các vấn đề về chi phí sản xuất cũng như mức độ ô nhiễm nguồn nước. Vì vậy, việc sử dụng hiệu quả thức ăn trong nuôi tôm là yêu cầu cần thiết cho người nuôi.
Người dân cho tôm ăn. Ảnh: TL
Người dân cho tôm ăn. Ảnh: TL
1. Chọn thức ăn
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu thức ăn cho tôm. Tuy nhiên, tùy vào hình thức, mật độ thả và khả năng đầu tư mà người nuôi có thể chọn loại thức ăn khác nhau. Một số lưu ý khi chọn thức ăn cho tôm, đó là:
- Thức ăn đó phải có hàm lượng đạm phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm (tôm nhỏ có nhu cầu đạm cao hơn tôm lớn). Đối với tôm sú dao động trong khoảng 38 - 42%; còn với tôm thẻ chân trắng thì thấp hơn khoảng 35 - 40%. Một điều cần lưu ý là hiện nay người nuôi rất thích cho ăn loại thức ăn đạm cao (42 - 45%) ở thời điểm gần cuối vụ nuôi với mục đích là để thúc tôm tăng trọng. Tuy nhiên, cần biết rằng, tôm không có khả năng tiêu hóa hết lượng đạm cao như vậy; mà nếu không được tiêu hóa hết thì lượng đạm dư đó sẽ thải ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước.
- Khi chọn thức ăn cần lưu ý hạt thức ăn đồng đều về kích thước, hình dạng cũng như màu sắc; mùi thơm hấp dẫn, đặc trưng; không rã trong nước sau 2 - 3 giờ. Ngoài ra, thức ăn phải được chứa trong các bao bì nguyên vẹn, nhãn mác rõ ràng, còn trong hạn sử dụng và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
2. Quản lý hiệu quả thức ăn cho tôm
Ở giai đoạn đầu cho ăn, người nuôi nên dựa vào bảng hướng dẫn của nhà sản xuất. Sau khoảng một tháng nuôi, lượng thức ăn được điều chỉnh thông qua kết hợp với việc kiểm tra nhá (hay còn gọi là sàng ăn) sau mỗi cử cho ăn. Đồng thời, định kỳ 10 - 15 ngày, chài xác định mật độ, kích cỡ tôm và trọng lượng đàn tôm để lập khẩu phần ăn thích hợp.
Để quản lý tốt thức ăn người nuôi cần chú ý các vấn đề sau:
- Thức ăn sử dụng phải đảm bảo các yêu cầu chất lượng;
- Lượng thức ăn phải đảm bảo cung cấp đủ theo nhu cầu thực tế của tôm. Trong nuôi thâm canh, bán thâm canh, tháng thứ nhất cho ăn lượng thức ăn bằng 8 - 10% trọng lượng tôm trong ao; tháng thứ 2 là 5 - 8%; tháng thứ 3 là 3,5 - 5% và tháng thứ 4 là 2,5 - 3,5%. Riêng đối với nuôi tôm - lúa, quảng canh cải tiến, nhu cầu thức ăn của tôm thấp hơn do mật độ thả thưa và có nguồn thức ăn tự nhiên trong ruộng. Tuy nhiên, lượng thức ăn này có thể thay đổi theo nhiều yếu tố: chất lượng nước nuôi (tôm ăn giảm trong điều kiện hàm lượng oxy hòa tan thấp < 4 mg/l, nhiệt độ thấp < 260C) hoặc cao > 330C và có nhiều khí độc,…); biến động thời tiết (áp thấp nhiệt đới, mưa nhiều); tình trạng sinh lý (bệnh, lột xác) hoặc đang xử lý hóa chất...
Ngoài ra, khi chuyển hoặc thay đổi loại thức ăn (ví dụ từ dạng mảnh sang dạng viên, hoặc kích thước nhỏ sang kích thước lớn hơn,…) phải thực hiện từ từ với tỷ lệ loại thức ăn mới tăng dần, không nên thay đổi quá đột ngột vì tôm không thích nghi kịp có thể dẫn đến bỏ ăn.
3. Lưu ý khi sử dụng nhá (sàng ăn) để điều chỉnh khẩu phần ăn của tôm  
Những sai sót thường gặp khi dùng nhá để điều chỉnh khẩu phần cho tôm ăn:
- Chất thải lan rộng trong khu vực cho ăn do người nuôi không thường xuyên kiểm tra, tôm có xu hướng ăn hết thức ăn có trong nhá trước khi tìm kiếm thức ăn trong khu vực có chất thải. Khi đó, không thể căn cứ vào tình trạng thức ăn trong nhá để tăng khẩu phần cho ăn.
- Đặt nhá sai vị trí, nơi có dòng nước yếu hay quá mạnh hoặc nâng, hạ nhá quá nhanh làm cho thức ăn có thể bị cuốn trôi theo dòng nước ra ngoài dẫn đến người nuôi nhầm tưởng rằng tôm đã ăn hết.
Ngoài ra, lượng thức ăn trong sàng còn có thể bị hao hụt do trong ao có nhiều cá tạp hay sinh vật khác sử dụng thức ăn trong sàng, do đó việc đánh giá sức ăn của tôm cũng không chính xác.
4. Ảnh hưởng của việc quản lý không tốt thức ăn
Cho tôm ăn dư hay thiếu là tình trạng mà người nuôi quản lý không tốt khâu cho ăn. Khi cho tôm ăn quá thiếu dẫn đến tôm chậm tăng trưởng, phân đàn và mẫn cảm với tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus, nguyên sinh động vật, biến động môi trường...); cho tôm ăn quá dư, sự tích tụ lâu ngày của phần thức ăn thừa đó sẽ gây ô nhiễm môi trường ao nuôi, làm tăng chi phí thức ăn và các chế phẩm sinh học để xử lý, cải tạo môi trường nước nuôi lại như ban đầu. Vì vậy, việc cho ăn quá thiếu hoặc quá dư đều không tốt cho sức khỏe tôm nuôi.
Để tăng hiệu quả sử dụng thức ăn và giúp tôm tăng trưởng tốt cũng như có sức khỏe đề kháng tác nhân gây bệnh, người nuôi cần thường xuyên bổ sung men tiêu hóa, vitamin và khoáng chất trong khẩu phần cho tôm. Tuyệt đối không sử dụng các hóa chất, kháng sinh cấm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trần Thị Tường Vi
Tổ Kinh tế Kỹ thuật xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây