Kiên Giang đẩy mạnh nghề nuôi thủy sản trên biển

Thứ sáu - 05/08/2022 09:40
Thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Kiên Giang xác định việc nuôi cá lồng bè trên biển và nuôi nhuyễn thể ven biển, ven đảo là trọng tâm, từ đó đề ra nhiều chính sách, kế hoạch hành động phù hợp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp người dân có sinh kế từ biển.
Làng nuôi cá lồng bè tại xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương.
Làng nuôi cá lồng bè tại xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương.
Thời gian qua, nghề nuôi cá biển của Kiên Giang chủ yếu là hình thức lồng bè, bao gồm: cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng, cá hồng mỹ, cá chuộng… được nuôi tập trung quanh các đảo thuộc huyện Kiên Hải, Kiên Lương, thành phố Hà Tiên và thành phố Phú Quốc. Năm 2017, toàn tỉnh có 2.848 lồng nuôi, sản lượng đạt 2.720 tấn, đến cuối năm 2021, đã tăng lên 3.890 lồng nuôi, ước sản lượng thu hoạch 3.535 tấn. Nghề nuôi cá lồng bè của tỉnh đã có sự tăng trưởng khá đều đặn, tạo nguồn thu nhập tốt cho người dân nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, như: Lồng bè nuôi hầu hết theo kiểu truyền thống, có kết cấu thô sơ, chủ yếu bằng cây gỗ, khả năng chịu sóng kém; con giống thiếu chủ động, nuôi gần bờ nên cũng còn ảnh hưởng từ các nguồn chất thải khác. Ngoài ra, hàng năm tình hình thời tiết, người dân phải di dời bè nuôi 2-3 lần để tránh sóng gió.
Đối với nuôi nhuyễn thể, chủ yếu là sò huyết, vẹm xanh, nghêu phát triển ở các địa phương ven biển như: An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương và Hà Tiên. Hình thức nuôi là thả giống ngoài bãi triều và nuôi kết hợp trong vuông tôm, ao vườn và dưới tán rừng. Tính đến năm 2021, nuôi nhuyễn thể toàn tỉnh đạt 20.203 ha, sản lượng đạt 66.179 tấn. Ngoài ra, nghề nuôi cấy ngọc trai nhân tạo cũng được duy trì ở thành phố Phú Quốc, với diện tích nuôi khoảng 200 ha, trung bình khoảng 50.000 viên/năm. Tuy nhiên, nuôi nhuyễn thể vẫn vướng những khó khăn chủ yếu về giống nuôi. Mặc dù thời gian qua, các trường cũng như các cơ quan nghiên cứu ở Kiên Giang cũng tổ chức sinh sản nhân tạo, tuy nhiên con giống để nuôi nhuyễn thể rất hạn chế.
Theo Đề án phát triển nuôi biển theo hướng bền vững tỉnh Kiên Giang đến năm 2030, Kiên Giang đặt ra mục tiêu đến năm 2025, số lượng lồng nuôi biển là 7.500 lồng, đạt hơn 113 tấn; nhuyễn thể là 83.660 tấn và đến năm 2030, số lượng này sẽ tăng gấp đôi. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế nuôi biển và thực hiện mục tiêu này, việc thu hút sự tham gia đầu tư và chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp là rất quan trọng.
Ông Nguyễn Sỹ Minh, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết: “Một trong những giải pháp ưu tiên hàng đầu của tỉnh đó là xây dựng và áp dụng cơ chế chính sách đặc thù nhằm khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp, các công ty có tiềm lực, có khả năng về phát triển nuôi biển đầu tư vào Kiên Giang. Tỉnh đang đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp để xây dựng các dự án nuôi biển ở Kiên Giang. Đối với nuôi cá lồng bè, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư có quy mô, ứng dụng công nghệ nuôi mới, thiết kế hệ thống lồng nuôi có sức chống chịu tốt để nuôi được xa bờ. Đồng thời tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng về nhà máy chế biến, đầu tư cảng cá, kho bãi để phục vụ nuôi biển, tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư, chuyển dần từ thức ăn cá tạp sang thức ăn viên công nghiệp nhằm chủ động nguồn thức ăn và góp phần bảo vệ nguồn lợi hải sản”.
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang đã thu hút đầu tư nuôi biển từ tập đoàn Mavin với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng và Công ty Australis Việt Nam với vốn đầu tư dự kiến 25 tỷ USD và đã đến khảo sát chọn vùng nuôi biển công nghiệp tập trung tại quần đảo Nam Du. Đây là 2 doanh nghiệp nuôi biển hàng đầu áp dụng công nghệ hiện đại nhất Việt Nam.
Đẩy mạnh khai thác tiềm năng và sử dụng hợp lý hiệu quả mặt nước nuôi biển là những giải pháp nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tăng quy mô, năng suất, sản lượng. Từ đó, góp phần thúc đẩy nghề nuôi biển phát triển nhanh theo hướng công nghiệp hiện đại đảm bảo môi trường sinh thái, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của ngư dân ven biển, hải đảo, giảm áp lực khai thác thủy sản ven bờ, ảnh hưởng môi trường sinh thái, sự suy kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Thúy Tài
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây