1. Đối với lịch thả tôm
- Nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh: Thả giống từ tháng 1 - 12, khi điều kiện độ mặn phù hợp, kiểm soát được nguồn nước và thực hiện tốt việc cải tạo, tiêu diệt mầm bệnh giữa các vụ nuôi.
- Nuôi tôm sú luân canh trồng lúa:
+ Vùng U Minh Thượng: Thả giống tôm sú từ tháng 1 - 4 thu hoạch dứt điểm vào tháng 8. Riêng khu vực ven biển từ kênh Chống Mỹ đến đê Quốc phòng thả giống tôm sú từ tháng 12/2021 - 3/2022, thu hoạch dứt điểm vào tháng 8.
+ Vùng ven sông Cái Lớn thuộc Tây sông Hậu: Thả giống tôm sú từ tháng 1 - 3, thu hoạch dứt điểm trong tháng 8.
+ Vùng Tứ giác Long Xuyên: Các huyện Kiên Lương, Giang Thành, thành phố Hà Tiên thả giống từ tháng 3 - 4, thu hoạch dứt điểm vào tháng 8. Riêng huyện Hòn Đất thả giống từ tháng 4 - 5, thu hoạch dứt điểm trong tháng 8.
- Nuôi tôm quảng canh cải tiến, tôm - rừng: Thả giống từ tháng 1 - 12, căn cứ vào điều kiện thời tiết và độ mặn. Người nuôi cần bố trí ao ương, vèo tôm giống giai đoạn đầu từ 3 - 4 tuần, sau đó chuyển tôm sang ao nuôi thương phẩm; định kỳ từ 1 - 1,5 tháng thả giống một lần và thu hoạch khi tôm đạt kích cỡ phù hợp.
- Nuôi tôm càng xanh xen canh trồng lúa: Thả giống từ tháng 2 - 7, thu hoạch sau 5 - 6 tháng nuôi. Người nuôi cần bố trí ao ương, vèo tôm giống từ 2 - 3 tháng trước khi thả ra ruộng nuôi.
2. Lưu ý khi chọn con giống
- Tôm giống phải có nguồn gốc rõ ràng, có quy trình sản xuất tốt, áp dụng quy trình sinh học, hạn chế dùng kháng sinh trong sản xuất. Tôm bố mẹ phải đạt tiêu chuẩn. Nếu có điều kiện nên theo dõi quy trình thuần dưỡng. Tôm phải đảm bảo ăn mạnh, lột xác đồng loạt và mau lớn.
- Tôm phải đạt kích cỡ giống đồng đều, đồng màu, không bị dị tật. Các đốt trong cơ thể dài, cơ thịt đầy đặn, ruột đầy thức ăn. Khi bơi đuôi tôm xoè rộng, trên thân không có các vật ký sinh. Tôm bám thành tốt và không có hiện tượng nổi mặt. Khi tạo dòng nước chảy tôm có hiện tượng bơi ngược dòng.
- Người nuôi có thể dùng phương pháp gây sốc để chọn lọc đàn tôm. Để so sánh hay gây sốc nước ngọt cho tôm, cần quan tâm đến các lô tôm đồng cỡ và cùng độ mặn, gây sốc cùng một thời gian như nhau. Lô nào có tỉ lệ sống cao hơn thì chọn lô đó. Cụ thể là có thể gây sốc nước ngọt 50% với điều kiện nước của bể tôm đó phải trên 10 phần ngàn. Sau 1 giờ nếu tỉ lệ sống trên 90% là tốt. Ngoài ra, có thể dùng formol để gây sốc bằng cách cho 2ml Formol vào 10 lít nước, thả tôm vào 1 giờ, kiểm tra, nếu tỉ lệ sống trên 90% là chọn.
Ngoài ra, người nuôi có thể chuyển mẫu đến các cơ quan chuyên môn để phân tích các bệnh do virus như MBV (còi), đầu vàng, đốm trắng. Đối với tôm thẻ chân trắng nên kiểm tra thêm bệnh Taura, để xác định chính xác nguồn gốc và mức độ nhiễm bệnh trên tôm giống.
Nguyễn Oanh