Nhắc đến Kiên Giang hay Phú Quốc, người ta nghĩ ngay đến một đặc sản, đậm đà hương vị không thể thiếu được trong các bữa ăn, đó là nước mắm Phú Quốc, nước mắm Kiên Giang.
Trên đất nước Việt Nam này, nhiều tỉnh thành có nghề sản xuất nước mắm truyền thống, nhưng không thể lẫn lộn với nước mắm Phú Quốc, nước mắm Kiên Giang, bởi cách làm, màu sắc và hương vị đậm đà không đâu sánh được.
Riêng nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc có cách đây hơn 200 năm. Qua thời gian, vẫn giữ vững quy trình sản xuất truyền thống, kết hợp với công nghệ hiện đại, được kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng đối với các chỉ tiêu hóa lý theo tiêu chuẩn để đạt chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Là một nghề truyền thống, nên mỗi nhà thùng có một bí quyết riêng, nhưng điểm chung của họ là “phát huy truyền thống, giữ vững chữ tín với khách hàng, an toàn khi sử dụng”.
Mỗi lần khách phương xa về Kiên Giang, Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Hải đều mua vài cặp nước mắm để sử dụng và làm quà tặng bạn bè, người thân. Thông qua hương vị đậm đà, người ta nhớ về Kiên Giang, Phú Quốc, Hòn Tre qua những câu ca:
“Lên non hái trái tiêu tròn
Nướng con cá biển, chấm nước mắm hòn Lại Sơn”.
“Về Kiên Giang mình sang Rạch Giá
Ăn tô bún cá, chấm nước mắm hòn
Dẫu cho sông cạn, đá mòn
Còn hương nước mắm, anh còn thương em”.
“Phú Quốc ơi! Ngàn đời còn đó
Nước mắm đậm đà, anh có nhớ không?
Gởi theo hương vị thơm nồng
Cùng về quê biển, vợ chồng bên nhau”.
Hương vị đậm đà của nước mắm Kiên Giang, nước mắm Phú Quốc là vậy đó, cần phải được giới thiệu, quảng bá bằng nhiều hình thức, để sản phẩm này đi xa, vào đến mọi nhà và không thể thiếu được trong các bữa ăn.
Vậy mà, hầu hết các hàng quán ở Rạch Giá, Kiên Giang gần như không có nước nắm đặc biệt này. Một đĩa cơm tấm rất ngon, nhưng các bà, các chị lại pha chế nước mắm ăn kèm mất hương vị đậm đà đặc trưng, thậm chí nó trở thành là nước đường, chứ không còn là mùi vị thơm nồng của nước mắm Phú Quốc, nước mắm Kiên Giang. Phải chi ở các hàng quán có chai nước mắm, chỉ cần dầm trái ớt, nặn miếng chanh vào thì ngon biết chừng nào. Họ bảo pha chế như vậy để phục vụ nhu cầu của khách. Nhưng người viết bài này hỏi rất nhiều người, thì họ bảo rằng vào quán “có gì ăn nấy”. Những người bạn ở các tỉnh về Rạch Giá, họ nói: “Ông bảo nước mắm Kiên Giang ngon lắm, nhưng vào các quán có thấy đâu, toàn “nước chấm” ngọt như nước đường”.
Nước mắm Phú Quốc, nước mắm Kiên Giang phát triển mạnh và hưng thịnh bắt đầu từ năm 1945-1950, thời điểm đó đã được bán sang các nước láng giềng như Campuchia, Thái Lan, sau đó là các nước ở châu Âu như Pháp, Đức. Năm 2003 tại Phú Quốc, lãnh đạo Bộ Công Thương cùng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức trao chứng nhận tên gọi xuất xứ nước mắm Phú Quốc được bảo hộ tại các nước Liên minh châu Âu. Và mới đây, nghề sản xuất nước mắm Phú Quốc được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Để bảo tồn thương hiệu nước mắm Kiên Giang là trách nhiệm của mọi người, trong đó có các nhà hàng, quán ăn, dù là ở nhà hàng sang trọng, hay quán cơm tấm vỉa hè cũng cần có nước mắm Kiên Giang, chứa chan ân tình qua hương vị đậm đà và màu cánh gián không đâu sánh bằng.
Minh Anh