Từ lâu, cây khóm đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân xã Vĩnh Phước A. Khóm được trồng ở khoảng cách cây cách cây 40 - 50 cm; thời gian chăm sóc từ 7 - 18 tháng sẽ cho thu hoạch, tùy từng loại chồi. Những năm gần đây, giá khóm loại 1 luôn ở mức cao, từ 8.000 - 15.000 đồng/trái. Với giá này, trung bình 01ha nông dân thu lợi nhuận từ 60 - 75 triệu đồng.
Trong thời gian chờ cây khóm phát triển và tận dụng nguồn nước mặn tự nhiên (từ 3 - 4 tháng), người dân thả thêm tôm (tôm sú, tôm thẻ và tôm càng xanh) để tăng thu nhập. Việc cải tạo ao mương nuôi tôm không cầu kỳ, chỉ chọn con nước có độ mặn đạt yêu cầu (từ 5‰), nước trong sạch cho vào mương. Sau khi lấy đầy nước, hòa 50 kg vôi bung và 100kg dolomite vào nước tạt đều cho 1ha (khoảng 5.000m2 mặt nước), tạt thêm 5kg phân DAP, 3 ngày sau đo lại pH đạt 7,0 - 8,5 thì tiến hành thả giống.
Tôm giống được ương trước từ 15 - 30 ngày ở khuôn vèo, sau đó đếm đầu con thả vào mương, mật độ 1 con/m2, với mật độ này không cần cho tôm ăn. Sau 3 tháng bắt đầu thu hoạch, năng suất có thể đạt từ 75 - 110 kg/ha, tôm cỡ 15 - 30 con/kg. Mặt khác, khi nuôi đợt đầu được 2 tháng thì người dân bắt đầu thả nối lứa tôm thứ hai và cứ thế “đánh tỉa thả bù”. Đợt tôm sau cách đợt tôm trước từ 2 - 3 tháng, lượng tôm thả bổ sung từ 50 - 70% tùy theo tỷ lệ sống của đàn tôm trước. Điều này giúp người dân có thu nhập quanh năm, ước tính thu nhập từ tôm khoảng 40 - 60 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh đó, người dân cũng sử dụng các giống lúa mùa như: Một bụi trắng, một bụi đỏ, trắng tép… để gieo mạ và cấy một cây chạy dài dọc theo mé liếp. Cây lúa tự nhiên phát triển mà không cần phải bón phân, xịt thuốc; giảm bớt chi phí. Thời điểm gieo mạ là tháng 6 - 7 âm lịch và đến tháng 8 - 9 âm lịch thì mang ra cấy. Thu hoạch vào tháng Chạp, nếu hộ gia đình có 01 ha rẫy khóm thì cuối năm có thể thu hoạch được 30 - 40 giạ lúa mùa.
Những năm qua, mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con nông dân. Con tôm dần dần trở thành một trong những nguồn thu chính do chi phí sản xuất thấp, cỡ tôm thu hoạch lớn, giá bán cao. Lúa cấy bệ không cần phải bón phân, xịt thuốc, chất lượng ngon, an toàn cho sức khỏe.
Nhằm phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, huyện Gò Quao quy hoạch vùng chuyên canh cây khóm. Công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật được quan tâm, hướng dẫn cho người dân sử dụng phân hữu cơ thay thế dần phân vô cơ, góp phần cải tạo đất, tăng chất lượng trái khóm; triển khai nhiều mô hình trồng khóm, nuôi tôm theo hướng VietGAP, GlobalGAP, nông dân được hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất phục vụ truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Hiện nay, từ mô hình này đã có 4 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao: Mức khóm, kẹo khóm, nước màu khóm và gạo lúa bệ.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy của người dân, phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, hình thành làng du lịch cộng đồng với mô hình khóm - tôm - lúa cấy bệ; chuẩn hóa và nâng cấp quy trình sản xuất ra các sản phẩm sạch như khóm hữu cơ, gạo lúa bệ hữu cơ và tôm sinh thái, góp phần nâng cao chuỗi giá trị các sản phẩm khóm, tôm và lúa bệ tại địa phương.
Nguyễn Thanh Nhanh
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Quao