Nông dân ven biển An Biên, luân canh tôm - lúa theo hướng bền vững

Thứ ba - 09/07/2024 08:54
Sau hơn 10 năm thực hiện sản xuất mô hình luân canh tôm – lúa, bà con nông dân ở xã Nam Yên, huyện An Biên đã chuyển đổi theo hướng canh tác lúa hữu cơ. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn tạo ra hệ sinh thái sạch để nuôi tôm hiệu quả, từng bước xây dựng nền nông nghiệp an toàn, bền vững.
Thành viên Hợp tác xã Ấp Ba Biển, xã Nam Yên, huyện An Biên thu hoạch vụ tôm.
Thành viên Hợp tác xã Ấp Ba Biển, xã Nam Yên, huyện An Biên thu hoạch vụ tôm.

Có hơn 3 ha đất vùng ven biển, ông Quách Thái Dương đã tận dụng để thực hiện luân canh một vụ tôm - một vụ lúa. Theo đó, từ tháng giêng ông bắt đầu thả tôm sú quảng canh và thả thêm cua để xen canh trong cùng diện tích ao. Vụ nuôi sẽ cho thu hoạch vào khoảng tháng 4 âm lịch và kéo dài cho đến hết tháng 7 âm lịch. Sau đó, ông tiến hành phơi đất, canh thời gian theo lịch thời vụ, đảm bảo vụ mùa thực hiện trước khi mặn diễn ra mới tiến hành gieo sạ. Vụ lúa sẽ khoảng vào tháng 10 âm lịch.
Theo chia sẻ của ông Dương, lúa thu hoạch xong tiến hành phơi đất cho khô, sau đó dẫn nước vào và xử lý nước, cho nước ổn định mới bắt đầu thả giống, mồi có sẵn trong tự nhiên như ốc gạo, ốc quắn, trùn trĩ... mà không cần cho thức ăn, nên tôm nuôi là tôm sạch. Hơn nữa, từ khi có hệ thống cống điều tiết mặn ngọt, lúa giữ được năng suất cao, nuôi tôm cũng thuận tiện, sạch nước hơn. Nhà nông chủ động giữ nguồn nước, sản xuất phù hợp, tránh thiệt hại do trái mùa hay xâm nhập mặn, thu lợi nhuận cao. Mặt khác, bà con cũng bước đầu tham gia vào hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh tế tập thể, không còn sản xuất tự phát. Nhờ vậy các thành viên có điều kiện tiếp cận các kỹ thuật khoa học, được tập huấn từ các ngành chuyên môn và dần tiếp cận hình thức canh tác hữu cơ áp dụng các chế phẩm sinh học, men vi sinh nên chất lượng giá trị con tôm, cây lúa được nâng lên đáng kể.
Ông Huỳnh Văn Dũng, Phó Giám đốc HTX Tôm - Lúa Ba Biển A, xã Nam Yên, huyện An Biên cho biết: “Năm nay, biến đổi khí hậu xâm nhập mặn nhiều nhưng nông dân ở đây cũng rất tích cực cải tạo đất để trồng lúa, vì nuôi tôm mà không trồng lúa thì không hiệu quả. Hiện tại giống lúa mà HTX lựa chọn canh tác là giống ST24. Loại giống này phù hợp với đặc trưng ven biển, có khả năng chống chịu hạn mặn, năng suất tương đối cao, giá thành và đầu ra cơ bản ổn định”.
Được biết, HTX Tôm - Lúa Ba Biển A được thành lập gần một năm, hiện đang tạo được sức hút với nhiều nông dân trên địa bàn bởi sự vận hành hiệu quả từ mô hình và đúng định hướng phát triển mô hình tôm - lúa theo hướng hữu cơ. Hiện, huyện An Biên có diện tích sản xuất nông nghiệp khoảng 31.200 ha, trong đó có đến 22.000 ha đã chuyển đổi sang mô hình tôm - lúa với 18 HTX tôm - lúa duy trì hoạt động ổn định. Huyện cũng đang tích cực nâng cao chất lượng cho con tôm, cây lúa thông qua xây dựng thương hiệu gắn với đầu tư hoàn thiện chứng nhận sản phẩm sạch, an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap, Globalgap. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết tiêu thụ với các doanh nghiệp, nâng cao giá thành và thị trường sản phẩm.
Đồng chí Trang Minh Tú, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên cho biết: Hiện nay, diện tích lúa của các HTX cơ bản đã được cấp mã vùng trồng, hướng tới sẽ canh tác tôm - lúa là sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn được công nhận. Huyện cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển mô hình; trong đó, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật để bà con nắm vững quy trình sản xuất hiệu quả. Đầu tư kết cấu hạ tầng thủy lợi để phục vụ sản xuất, nhất là hệ thống cống ven biển và cống nội đồng để đảm bảo sản xuất bền vững.
Theo định hướng khai thác tiềm năng, lợi thế địa phương để phát triển kinh tế, huyện An Biên đang từng bước xây dưng đưa mô hình tôm - lúa trở thành kinh tế chủ lực của huyện. Song song đó, hình thành các sản phẩm tôm sạch, lúa thơm. Hy vọng dưới sự nỗ lực lao động của người dân cùng sự đồng hành của các cấp, các ngành, huyện An Biên sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu đề cao, giúp người dân vùng ven biển nói riêng và toàn huyện nói chung làm giàu từ ao tôm ruộng lúa.
Thúy Tài

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây