Sơ kết 3 năm thực hiện mô hình tôm - lúa trên địa bàn các huyện: An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Kiên Lương cho thấy hiệu quả thiết thực, với chi phí đầu tư thấp, thân thiện môi trường, tôm được nuôi mật độ thưa 1 con/1 mét vuông trong ruộng sau vụ lúa, nên có nguồn thức ăn vi sinh trong đất tự nhiên, ít dịch bệnh, không phải dùng kháng sinh trong đất tự nhiên. Môi trường nuôi tôm để lại nhiều dưỡng chất cho cây lúa và tiết kiệm được chi phí phân bón; sản phẩm tăng độ hữu cơ, tạo môi trường sinh thái tốt cho vụ sau.
Với cách làm này, hạt gạo và con tôm ngày càng đảm bảo chất lượng an toàn, có giá trị gia tăng hơn, tạo thu nhập tốt để hội viên nông dân có điều kiện tiếp cận các thành tựu khoa học trong trồng lúa, nuôi tôm theo hướng sản xuất hàng hóa cung cấp thị trường lớn.
Hội Nông dân tỉnh còn kết nối bà con hội viên nông dân qua chương trình “Nông dân dạy nông dân làm giàu”, kết nối doanh nghiệp cung cấp giống tôm đến từng địa phương cơ sở cùng ươm, thả giống 2 giai đoạn trên đất của người nuôi để thật sự phù hợp giống với môi trường thả nuôi trước khi bà con hội viên quyết định mua giống.
Với chương trình này, các thành viên trong ấp, tổ hợp tác tổ chức họp chia sẻ kinh nghiệm 1 lần/tháng. Những người nuôi hiệu quả hướng dẫn người bắt đầu nuôi hay đang nuôi về cách nhìn, đánh giá sức khỏe tôm và cách chăm sóc tôm sao cho khỏe mạnh, mau lớn đồng đều ít rủi ro. Thực tiễn cho thấy nhiều lớp “Nông dân dạy nông dân làm giàu” được đánh giá rất hiệu quả trong việc đào tạo, chuyển giao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ông Lâm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Chương trình “Nông dân dạy nông dân làm giàu” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo sự gắn kết của những hộ cùng sản phẩm tôm - lúa để phát huy tiềm năng lao động ở địa phương. Người dạy và người học rất gần gũi, với phương pháp cầm tay chỉ việc đơn giản và sâu lắng, áp dụng thực hành ngay trong quá trình sản xuất tại đất, giúp bà con hội viên tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Kết quả, bình quân 1 ha đất thả thưa 1 con/1 một mét vuông, với 10.000 con giống tôm sú, sau 3 tháng bà con hội viên có thu nhập lãi trung bình 30 triệu đồng/vụ.
Phần lớn hội viên nông dân thuộc vùng trọng điểm sản xuất tôm - lúa ở tỉnh nhà đều phấn khởi, đánh giá đó là mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, thuận thiên, vừa đem lại hai sản phẩm thân thiện, có giá trị kinh tế cao, vừa góp phần cải tạo đất, môi trường sinh thái tự nhiên, mang lại hiệu quả để ứng phó trước biến đổi khí hậu.
Đỗ Trần Thịnh