Kiên Lương đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản ven biển

Thứ tư - 07/08/2024 09:47
Huyện Kiên Lương có đường bờ biển dài hơn 52km, đây là một trong những điều kiện thuận lợi để bà con nuôi trồng thủy sản. Nhiều năm qua, ngoài nuôi tôm sú, tôm thẻ, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ, các địa phương khu vực ven biển còn phát triển mạnh về nuôi cá mú.
Ông Nguyễn Đặng Giang, ấp Ba Núi, xã Bình An giới thiệu mô hình nuôi cá mú trong ao đất dưới tán rừng phòng hộ.
Ông Nguyễn Đặng Giang, ấp Ba Núi, xã Bình An giới thiệu mô hình nuôi cá mú trong ao đất dưới tán rừng phòng hộ.
 
Xã Bình An, huyện Kiên Lương là xã nằm giáp biển, có hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi. Bên cạnh xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Bình An vẫn định hướng đầu tư và phát triển các mô hình nuôi trồng ven biển. Tính đến nay, xã có khoảng 50 hộ đang thực hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp trên diện tích hơn 73ha; gần đây phát triển thêm mô hình nuôi cá mú trong ao đất. Hiện, địa bàn xã có 33 hộ nuôi với diện tích khoảng 34ha.
Ông Nguyễn Đặng Giang ngụ ấp Ba Núi, xã Bình An canh tác theo quy định giao khoán đất rừng phòng hộ, đã sử dụng 6.000m2 đất giao khoán để thực hiện mô hình nuôi cá mú trong ao đất. Theo ông Giang, việc nuôi cá mú trong ao đất dưới tán rừng phòng hộ ven biển đạt hiệu quả cao nhờ vào độ mặn thổ nhưỡng, phù hợp để cá sinh trưởng. Hơn năm qua, mô hình đã mang lại nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng cho gia đình ông.
Ông Trần Kỳ Bá, với 5 ao đất rộng khoảng 5.000m2 chuyên nuôi cá bống mú, thu lời hơn 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Mặt khác, khu vực đất giao khoán giáp biển, có bãi bồi rộng lớn, ông đã tận dụng bãi để nuôi thêm hến và nghêu trắng. Ông Bá chia sẻ: “Ở dưới tán rừng thì nuôi được cá bống mú, sau bãi bồi thì thực hiện nuôi nghêu trắng cho thu hoạch cũng đủ sinh hoạt phí”.
Trong bức tranh kinh tế tổng thể của Bình An, mô hình nuôi cá mú trong ao đất là điểm nhấn nổi bật, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và quy hoạch của địa phương. Hiện xã Bình An đang khuyến khích và hỗ trợ người dân mở rộng diện tích ao nuôi; thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật để người dân mở rộng kiến thức, ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng. Bên cạnh đó, để đảm bảo được giá trị đầu ra, địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng hướng đến liên kết tiêu thụ, đặc biệt là hướng người dân đến việc nuôi cá đảm bảo theo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Ngô Sện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kiên Lương cho biết: “Cùng với xã Bình An, xã Dương Hòa cũng là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi tôm công nghiệp và nuôi quảng canh cải tiến đang là thế mạnh của địa phương. Theo thống kê, địa phương có trên 1.000ha nuôi tôm quảng canh và trên 500ha nuôi tôm công nghiệp. Hiện, ngoài việc tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng trên địa bàn, xã Dương Hòa tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, từng bước chuyển đổi các mô hình nuôi trồng có hiệu quả gắn với bảo vệ nguồn lợi sẵn có trên địa bàn. Ở vùng bãi bồi ven biển Tà Săng, các bãi thuộc khu vực xã Bình Trị, địa phương cũng đã phối hợp với các ngành chuyên môn tạo điều kiện cho bà con thuê mặt nước để nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ, từng bước cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn”.
Tháng 12/2020, thực hiện đề án Phát triển nuôi biển theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 của Ủy ban nhân dân tỉnh, đến nay, huyện Kiên Lương phát huy thế mạnh của địa phương, tính riêng năm 2023, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt trên 64.000 tấn. Dự kiến năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 66.800 tấn, trong đó tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhân rộng mô hình nuôi biển, nuôi trồng thủy sản ven biển, bãi bồi.
Thúy Tài
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây