Sau khi thu hoạch lúa vụ Hè Thu khoảng tháng 7 âm lịch, là thời gian nước lũ về kết hợp với triều cường dâng cao, nước tràn đồng tạo hệ sinh thái ngập nước mang nguồn lợi thủy sản và phù sa về trên các cánh đồng. Tận dụng thời điểm này, nhiều người dân khu vực ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc tích cực chuẩn bị nuôi cá theo hình thức đăng quầng trên ruộng lúa. Theo đó, người dân sử dụng lưới cước hoặc lưới PE cao khoảng 1,2 -1,5 m đăng xung quanh ruộng, cách bờ khoảng 1 m để giữ cho cá không thoát ra ngoài. Cá được chọn để thả nuôi là cá chép và cá mè hoa. Ưu điểm của nhóm cá này là thích mặt nước rộng, thích nghi tốt với môi trường nước chảy, phổ thức ăn rộng nên chỉ sau gần 3 tháng nuôi, người dân có thể thu hoạch mà không cần phải đầu tư thức ăn.
Để cá phát triển khỏe mạnh, người dân ương dưỡng cá trong ao, mương để cá thích nghi và quen với môi trường; thời gian ương dưỡng từ 10-20 ngày. Hàng ngày, cá được cho ăn bổ sung bằng thức ăn viên có hàm lượng đạm từ 25-32%. Số lượng cá giống thả 40 kg/ha mặt nước ruộng, kích cỡ cá giống từ 120-150 con/kg. Cá được thả ra ruộng nuôi với mật độ thưa < 1 con/m2, để đảm bảo nguồn thức ăn trên ruộng mà không cần phải cho cá ăn.
Chi phí đầu tư theo hình thức này khoảng 4-5 triệu đồng/ha, gồm tiền cá giống, lưới bao và các dụng cụ khác. Người dân phải thường xuyên gia cố ở những chỗ lưới bị rách hoặc nước tràn để hạn chế cá thoát ra ngoài. Sau gần 3 tháng nuôi, cá có thể đạt trọng lượng từ 0,6-1,0 kg/con tùy từng loại; sản lượng từ 1-1,2 tấn/ha; giá 12.000-13.000 đồng/kg, thu nhập có thể đạt từ 13-15 triệu đồng/ha.
Mô hình này phù hợp ở những khu vực có địa hình trũng thấp, triều cường cao, mực nước trên ruộng phải đạt từ 60-80 cm để có thêm không gian cho cá sinh sống và phát triển. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc đã thành lập tổ hợp tác nuôi cá trên ruộng lúa, với 36 thành viên. Bước đầu, tổ hợp tác đã tìm được đầu ra ổn định cho cá chép và cá mè hoa thương phẩm, với giá bán từ 12.000-13.000đ/kg; tạo đầu ra ổn định cho các thành viên tổ hợp tác an tâm sản xuất. Ngoài ra, trong tổ hợp tác còn hình thành tổ sản xuất thử nghiệm mắm cá mè hoa, mang đậm hương vị vùng quê sông nước và gắn liền với mô hình nuôi cá trên ruộng lúa mùa nước nổi tại ấp 6, xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc.
Ngoài hiệu quả kinh tế mà mô hình mang lại, nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi còn làm tăng độ phì nhiêu cho đất, cá sẽ ăn hết rong rêu, lúa chét, xác bã thực vật, côn trùng, góp phần vệ sinh đồng ruộng, hạn chế cỏ dại trong mùa nước, giảm chi phí cho vụ lúa tiếp theo. Đây là mô hình sinh kế bền vững trong mùa nước nổi, cần duy trì và nhân rộng cho những khu vực có điều kiện.
Nguyễn Thanh Nhanh
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Quao