Thời gian qua, tình hình nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Kiên Lương phát triển nhanh và đạt hiệu quả khá cao. Tôm công nghiệp chiếm 60,7% diện tích và 66% sản lượng tôm công nghiệp của tỉnh. Đến cuối năm 2023, diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt 2.800 ha với 120 hộ nuôi và 4 doanh nghiệp, tổng sản lượng đạt 28.892 tấn.
Điểm nổi bật nuôi tôm công nghiệp huyện Kiên Lương là nhiều doanh nghiệp, nông dân đã và đang chuyển đổi ứng dụng công nghệ cao vào quy trình nuôi, nhằm mang lại năng suất vượt trội, giảm tác động đến môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Theo thống kê, diện tích nuôi tôm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 884 ha, với 65 hộ và 4 doanh nghiệp nuôi, năng suất bình quân 20 - 25 tấn/ha/vụ; sản lượng 15.600 tấn, đóng góp khoảng 54% trong tổng sản lượng tôm nuôi công nghiệp, bán công nghiệp của huyện năm 2023.
Có tổng diện tích trên 15 ha nuôi tôm công nghệ cao, anh Nguyễn Khuyến, chủ trang trại nuôi tôm Khuyến Chi đang thực hiện nuôi tôm 3 giai đoạn, gồm: Vèo giống, nuôi thương phẩm và thả tôm ra ao lớn chờ thu hoạch. Theo anh Khuyến, nuôi tôm 3 giai đoạn giúp hộ dân quản lý, kiểm soát tốt quá trình phát triển của tôm, giảm rủi ro, tăng năng suất chất lượng tôm, đáp ứng nhu cầu size tôm lớn xuất khẩu. Đặc biệt, bên cạnh đầu tư ao nuôi và áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào nuôi tôm 3 giai đoạn, anh Khuyến còn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời, hệ thống cho tôm ăn tự động; từ đó, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Theo định hướng chú trọng phát triển ngành tôm, huyện Kiên Lương đã thực hiện nạo vét 29 tuyến kênh, cung cấp nước cho nuôi trồng thủy sản với chiều dài 37,5 km; gia cố 2 tuyến bờ bao với chiều dài 110,34 km; sửa chữa 17 cống, 2 tuyến đê bao; đầu tư khoảng 22 tỷ đồng cho 54,77 km đường dây điện trung thế và 12,32 km đường dây hạ thế phục vụ nuôi tôm công nghiệp; đảm bảo cung cấp đủ sản lượng điện cho nuôi trồng thủy sản và công nghiệp chế biến thủy sản. Từng bước xây dựng thực hiện kế hoạch và nhiều giải pháp phát triển về ngành tôm công nghiệp để tương xứng với những tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Thời gian tới, huyện Kiên Lương sẽ tổ chức sản xuất theo hướng hình thành các tổ sản xuất như cụm nuôi tôm siêu thâm canh; củng cố, kiện toàn, nâng chất hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác theo hướng sản xuất tập trung để trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau trong sản xuất, tránh sản xuất theo hướng riêng lẻ, manh mún, kém hiệu quả. Đồng thời, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan hoàn chỉnh hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Bình Trị; tạo điều kiện thuận lợi cho người nuôi được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng để đầu tư và tái đầu tư phát triển nghề nuôi tôm công nghiệp, song song với việc vận động, khuyến khích các nhà sản xuất, cung ứng thức ăn, thuốc thú y thủy sản đầu tư trực tiếp cho hộ nuôi.
Thúy Tài