Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang thực hiện thành công kỹ thuật đặt stent chuyển hướng dòng chảy điều trị bệnh lý túi phình

Thứ sáu - 06/09/2024 20:36
Đây là kỹ thuật điều trị túi phình tiên tiến nhất trong số các phương pháp điều trị hiện có, ít xâm lấn, tỷ lệ thành công cao, tai biến rất thấp đem lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang thực hiện can thiệp điều trị bệnh túi phình bằng kỹ thuật đặt stent chuyển dòng chảy cho bệnh nhân với sự hỗ trợ chuyên môn từ bác sĩ Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang thực hiện can thiệp điều trị bệnh túi phình bằng kỹ thuật đặt stent chuyển dòng chảy cho bệnh nhân với sự hỗ trợ chuyên môn từ bác sĩ Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
 
Túi phình là chỗ dãn của mạch máu não do thành mạch yếu hơn bình thường, có thể do thoái hóa thành mạch ở người cao tuổi hoặc bệnh lý gây yếu thành mạch ở người trẻ tuổi. Bệnh lý túi phình có biểu hiệnrất mơ hồ; phần lớn các túi phình chưa vỡ không gây triệu chứng và khi kích thước túi phình đủ lớn, có thể gây đau đầu kéo dài, liệt các dây thần kinh đầu mặt cổ hoặc yếu, liệt tay chân diễn tiến nặng dần. Nếu túi phình động mạch não vỡ thì có triệu chứng như đột quỵ với đau đầu dữ dội đột ngột, cứng cổ, lơ mơ, tê yếu tay chân, thậm chí tử vong ngay sau vỡ.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thảo, Phó trưởng Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang cho biết: Để điều trị bệnh lý túi phình có các phương pháp như phẫu thuật kẹp cổ túi phình và can thiệp nội mạch. Kỹ thuật can thiệp nội mạch gồm có phương pháp thả cuộn lò xo đối với túi phình cổ nhỏ; đặt stent hoặc bóng kết hợp thả cuộn lò xo đối với túi phình cổ rộng; tắc bỏ động mạch mang túi phình bằng cuộn lò xo. Tuy nhiên, phương pháp phẫu thuật kẹp cổ túi phình có nhược điểm như xâm lấn, để lại sẹo mổ, thời gian nằm viện kéo dài, nguy cơ phẫu thuật cao hơn, túi phình nằm ở vị trí khó tiếp cận thì không thực hiện được. Phương pháp can thiệp nội mạch đặt stent đổi hướng dòng chảy được chỉ định cho túi phình khổng lồ, dạng hình thoi và các túi phình ở thành bên mạch máu ở vị trí thấp nội sọ... Để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật đặt stent chuyển hướng dòng chảy.
Kỹ thuật đặt stent chuyển dòng chảy ra đời trên thế giới vào năm 2007. Tại Việt Nam, kỹ thuật này bắt đầu được áp dụng từ năm 2012 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và một bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội. Tính đến nay, tại đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang là tỉnh thứ hai sau TP. Cần Thơ triển khai thành công kỹ thuật này với sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thảo, người trực tiếp thực hiện kỹ thuật đặt stent chuyển dòng chảy, đây là kỹ thuật luồn một ống thông nhỏ từ động mạch đùi đưa lên cổ, sau đó dùng một vi ống thông nhỏ hơn đi sâu đến não qua khỏi vị trí có túi phình và thả stent chuyển dòng có mắt lưới dày che bít cổ túi phình làm hạn chế lượng máu ra vào và tạo huyết khối trong túi phình. Sau đó, stent sẽ làm khung để các tế bào mạch máu mọc qua tạo lòng mạch mới giúp đoạn mạch máu có túi phình lành hoàn toàn, nhờ vậy phương pháp này khắc phục khuyết điểm dễ tái phát túi phình của các phương pháp điều trị nội mạch trước đó như đặt vòng xoắn kim loại trong túi phình. Kỹ thuật này sẽ điều trị được những túi phình vốn rất khó điều trị như túi phình khổng lồ, túi phình dạng hình thoi… và ngày càng được áp dụng thường quy cho phần lớn các túi phình chưa vỡ nội sọ. Với những ưu điểm như ít xâm lấn, tỷ lệ thành công cao đến hơn 95%, tỷ lệ tai biến chứng thấp dưới 5%, thời gian nằm viện rấtngắn, bệnh nhân có thể xuất viện sau 24 giờ. Có thể nói, kỹ thuật đặt stent chuyển dòng chảy là một cách mạng lớn nhất trên thế giới trong điều trị túi phình động mạch não trong 15 năm gần đây, nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.
Bệnh phình mạch máu não chiếm khoảng 5% dân số. Túi phình động mạch não nói chung có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất ở người cao tuổi và trung niên, hay gặp hơn ở nữ giới. Các nguy cơ tim mạch như tăng huyết áp, hút thuốc lá, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường… cũng làm tăng nguy cơ bệnh lý túi phình động mạch não. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thảo khuyến cáo để phát hiện sớm bệnh phình mạch máu não, người dân nên chụp MRI sọ não tầm soát ở những người có nguy cơnhư từ 45 tuổi trở lên, yếu tố gia đình, có bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, béo phì... Bệnh nhân đau đầu điều trị không khỏi cũng nên tầm soát bệnh phình mạch máu não bằng cách chụp MRI.
Mi Ni
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây